Tăng gấp đôi cùng kỳ, VietinBank vẫn đánh mất vị trí Top 3 lợi nhuận ngành

VIETINBANK NGÂN HÀNG
11:21 - 31/07/2022
Tăng gấp đôi cùng kỳ, VietinBank vẫn đánh mất vị trí Top 3 lợi nhuận ngành
0:00 / 0:00
0:00
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 11.607 tỷ đồng. Với lợi nhuận này, VietinBank đã đánh mất vị trí Top 3 lợi nhuận ngành, xếp sau Vietcombank, VPBank, Techcombank, MB trong cuộc đua lợi nhuận.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi so với cùng kỳ đạt 5.785 tỷ đồng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II/2022, thu nhập lãi thuần tăng hơn 10% đạt 11.972 tỷ đồng do thu lãi của ngân hàng tăng trưởng 17,3%. Thu thuần từ mảng dịch vụ trong quý tăng 15% trong đó thu phí tài trợ thương mại và phí hoa hồng bảo hiểm tăng trưởng mạnh.

Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng gần 58% mang về hơn 813 tỷ đồng trong khi mảng mua bán chứng khoán đầu tư lãi gấp 10 lần mang về hơn 238 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lãi 22 tỷ đồng). Lãi thuần từ hoạt động khác đạt đạt 1.111 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ; riêng mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 7,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 72 tỷ đồng.

Trong quý, chi phí hoạt động được ngân hàng kiểm soát tương đối tốt, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng trong quý II/2022 giảm 17,2% còn 5.883 tỷ đồng do không còn chịu tác động từ việc tăng trích lập dự phòng theo Thông tư 03.

Điều này được ngân hàng lý giải rằng trong quý II/2021 là quý đầu tiên VietinBank trích lập dự phòng rủi ro bổ sung cho nợ cơ cấu lại theo Thông tư 03 nên chi phí dự phòng rủi ro tăng cao so với bình quân các năm. Đồng thời, ngân hàng đã trích lập gần như đẩy đủ dự phòng theo Thông tư 03 trong năm 2021.

Theo đó, quý II/2022, VietinBank ghi nhận 5.785 tỷ đồng, tăng 107%, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của VietinBank đạt 22.118 tỷ đồng, tăng 2,8%; lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.838 tỷ đồng, 6,9%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1.597 tỷ đồng, tăng gần 87%; lãi thuần từ hoạt động khác đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ.

Song, do quý I/2022 VietinBank đẩy mạnh trích lập dự phòng nên tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng là 10.309 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế 6 tháng mà ngân hàng đạt được là 11.607 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Với lợi nhuận này, VietinBank đang về sau Vietcombank, VPBank, Techcombank, MB trong cuộc đua lợi nhuận. Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2021, Vietinbank vững vàng đứng Top 3 lợi nhuận ngành.

Nợ có khả năng mất vốn tăng 128%

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của VietinBank tăng tới 10,4% đạt 1,69 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 9,5% với 1,238 triệu tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng trưởng khiêm tốn 3,8%, lên 1,2 triệu tỷ đồng – thấp hơn dư nợ cho vay khách hàng.

Như vậy, tính riêng quý II, tăng trưởng cho vay của nhà băng này chỉ đạt 0,72%, thấp hơn nhiều so với quý I đạt gần 8,8%.

Điều này xuất phát từ việc VietinBank năm nay được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10%. Tuy nhiên, việc ghi nhận dư nợ cho vay tăng cao trong quý I/2022 đã khiến nhà băng này phải giảm tốc cho vay trong quý II/2022 để không vượt trần cơ quan quản lý cho phép.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu của VietinBank cũng tăng mạnh 16,5% so với đầu năm, lên 16.667 tỷ đồng, kéo theo đó tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,26% lên 1,34%.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm xuống 3.331 tỷ đồng, giảm 53% so với thời điểm đầu năm. Nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng giảm 26%, xuống 1.477 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng vọt 128% so với đầu năm, lên 11.858 tỷ đồng. Tỷ trọng của nhóm nợ này trong tổng nợ xấu nội bảng của VietinBank theo đó tăng lên 71%, thay vì mức 36% đầu năm.

Song, việc tăng cường trích lập dự phòng giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 180% lên 190% tại thời điểm 30/6.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, VietinBank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15%, đạt trên 19.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng dự kiến phương án tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.

Cụ thể, VietinBank sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%. Số vốn tăng thêm dự kiến được dùng toàn bộ để phục vụ kinh doanh, được phân bổ vào các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng với cơ cấu hợp lý trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Đọc tiếp