Tăng vốn sẽ là chất xúc tác cho ngành ngân hàng năm 2022

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:22 - 12/01/2022
Tăng vốn sẽ là chất xúc tác cho ngành ngân hàng năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Yuanta Việt Nam, việc tăng vốn và kỳ vọng tăng room ngoại sẽ là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng, đặc biệt là của 3 "ông lớn" trong ngành là BIDV, Vietcombank và VietinBank.

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 mới công bố, các chuyên gia phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc tăng vốn sẽ là một chất xúc tác cho ngành ngân hàng trong năm nay, đặc biệt là tại các ngân hàng nhà nước (như BIDV, VietinBank và Vietcombank).

Theo nhóm phân tích, xem xét tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, BIDV và Vietcombank vẫn còn dư nhiều room ngoại để gia tăng vốn hơn là VietinBank. Room ngoại còn lại của Vietcombank (6,4%) và BIDV (13,3%) cho thấy các ngân hàng này vẫn còn dư địa để gia tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, cả 2 nhà đầu tư chiến lược của 2 ngân hàng này là KEB Hana Bank (BIDV), và Mizuho Bank (Vietcombank) hiện sở hữu 15% cổ phần so với hạn mức là 20%. Vì vậy Vietcombank và BIDV vẫn còn trống room ngoại để có thể tăng thêm vốn từ các nhà đầu tư chiến lược hiện nay của họ.

Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược của VietinBank (Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ) hiện sở hữu 19,7%, đã gần bằng với hạn mức quy định là 20%.

Ngoài ra, Yuanta Việt Nam nhận thấy một vài ngân hàng như: VPBank, TPBank, SHB, MSB,...hiện vẫn chưa hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đồng nghĩa vẫn còn cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cho các ngân hàng đó trong tương lai. Nhóm phân tích không cho rằng điều này sẽ diễn ra ngay lúc này hoặc trong tương lai gần, nhưng đó là điều có thể sẽ diễn ra trong tương lai.

''Việc tăng vốn và kỳ vọng tăng room ngoại sẽ là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng'', Yuanta Việt Nam nhận định.

Theo kế hoạch đã được đã được cổ đông thông qua, Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô 6,5% vốn điều lệ. Trong khi BIDV cũng tính chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ số cổ phiếu tương đương 8,5% vốn điều lệ.

Các ngân hàng dự kiến chào bán cổ phiếu ra thị trường.

Các ngân hàng dự kiến chào bán cổ phiếu ra thị trường.

Nói rõ hơn về cổ phiếu ngân hàng thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu nhìn nhận, cổ phiếu ngân hàng nói chung vẫn sẽ có diễn biến tích cực trong đầu năm 2022.

Cụ thể, giá cổ phiếu của các ngân hàng đã điều chỉnh giảm đáng kể vào đầu quý 3/2021 sau khi dẫn dắt thị trường tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã hồi phục tăng do thông tin tích cực từ việc tăng hạn mức tín dụng trong quý 4/2021. Hiện nay, P/B năm 2022 trung vị ngành ngân hàng dự báo là 1,6x với ROE năm 2022 là 20%, theo Bloomberg.

Nhóm phân tích cũng ưu tiên tập trung vào các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao. Theo đó, các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao sẽ là ngân hàng có nền tảng vững chắc hơn nhằm hạn chế sự suy giảm trong chất lượng tài sản dưới tác động của Covid-19.

Hiện nay, tỷ lệ LLR của Vietcombank (243%) là tỷ lệ cao nhất ngành, tạo cho Vietcombank sự linh hoạt trong việc giảm trích lập dự phòng nhằm thúc đẩy lợi nhuận năm 2022 mà không làm giảm chất lượng tài sản. Các ngân hàng khác như Techcombank, MB và ACB cũng đang áp dụng chiến lược thận trọng với tỷ lệ LLR cao.

"Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi lại những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, thì các ngân hàng – đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp – sẽ phải tăng thêm dự phòng, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của họ", báo cáo nêu rõ.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vào năm tới. Trong đó, nguồn lực cho các ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) còn bất cập với vai trò và trách nhiệm thực hiện chính sách, cũng như việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ.

Theo ông Tú, việc thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách, gói hỗ trợ vừa qua và sắp tới, nhưng các NHTMNN chưa được NSNN bố trí đủ vốn hoặc chưa được bố trí nguồn cấp bù lãi suất phần nào gây khó khăn cho các NHTM.

Mặt khác, vốn điều lệ các NHTMNN tăng không tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực của các ngân hàng này trong việc mở rộng tín dụng, tham gia vào các dự án lớn, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia (điện, BOT giao thông, sân bay, cảng biển,..) hoặc mở rộng tín dụng đối với nhiều lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; ảnh hưởng đến vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường của các NHTMNN.

Tin liên quan

Đọc tiếp