Thêm một công ty chứng khoán báo lãi kỷ lục

DSC TC Group
08:43 - 20/01/2024
Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội - một cơ sở của CTCP Chứng khoán DSC. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN
Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội - một cơ sở của CTCP Chứng khoán DSC. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Chứng khoán DSC (UPCoM: DSC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023, ghi nhận doanh thu hoạt động 121,4 tỷ đồng, lợi nhuận kế toán sau thuế 24,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 83% và 63% so với quý 4/2022.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu của DSC đạt 438,4 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với thực hiện của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế từ đó cũng tăng 256% so với cùng kỳ lên 120 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Bóc tách cơ cấu doanh thu, hầu hết các hạng mục kinh doanh quan trọng của DSC trong năm 2023 đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, trong đó lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 184% lên 135 tỷ đồng, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) tăng 229% lên 148 tỷ đồng.

Hoạt động ghi nhận tăng trưởng cao nhất của DSC là nghiệp vụ môi giới chứng khoán khi mang về 103,9 tỷ đồng doanh thu, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận gộp mang về từ mảng này không cao, khi chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng 226% lên 103 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của DSC tăng 71% so với thời điểm đầu năm lên 4.123 tỷ đồng, trong đó 4.083 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của DSC là 1.679 tỷ đồng các tài sản FVTPL, bao gồm 227 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và 1.452 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. Các khoản cho vay tăng 46% lên 1.455 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay hoạt động giao dịch ký quỹ.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của DSC tăng đáng kể từ 1.344 tỷ đồng lên 1.889 tỷ đồng, chủ yếu là 1.849 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Đối tác tín dụng lớn nhất của DSC là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 1.261 tỷ đồng, tăng 174% so với thời điểm cuối năm 2022. Đáng chú ý, công ty ghi nhận một đối tác tín dụng mới là Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank) với khoản vay 450 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Chứng khoán DSC, trong bối cảnh công ty đang chuẩn bị hủy đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và tiến hành niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).

Chứng khoán DSC có tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng. Vào cuối năm 2020, công ty này đổi chủ khi nhóm nhà đầu tư có nhiều liên hệ với Tập đoàn Thành Công mua lại phần lớn cổ phần. Không lâu sau đó, công ty chuyển trụ sở chính về tòa Thành Công Building ở số 80 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.

Trong năm 2023, DSC tiếp tục có 2 lần tăng vốn lên 2.048 tỷ đồng, bao gồm phát hành 4,9 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và 99,96 triệu cổ phiếu ra công chúng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.