Thị trường năng lượng châu Âu tiếp tục biến động do cấm vận Nga

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
12:50 - 28/05/2022
Mỏ than Turów tại Ba Lan. Ảnh: Wikimedia Commons
Mỏ than Turów tại Ba Lan. Ảnh: Wikimedia Commons
0:00 / 0:00
0:00
Tình hình thị trường năng lượng tại châu Âu tiếp tục có nhiều biến động, với việc Ba Lan ra quyết định hạn chế lượng than bán ra do mất nguồn cung từ Nga, trong khi Hungary cấm các tài xế nước ngoài mua xăng tại nước mình.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài sản Nhà nước của Ba Lan Piotr Pyzik, các công ty nội địa đã buộc phải hạn chế việc bán than trong nước sau khi chính phủ quyết định từ chối nhập khẩu nguồn hàng của Nga.

Trong bài phát biểu hôm 27/5, ông giải thích rằng nhu cầu về nguyên liệu trong nước đang vượt xa sản lượng. Do đó, các công ty đã quyết định đưa ra các hạn chế bán hàng để có thể đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho mùa sưởi tiếp theo.

Tuy nhiên ngoài việc khiến nguồn cung than tại Ba Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lệnh cấm còn dẫn tới tình trạng đầu cơ. Hãng tin RT trích lời truyền thông Ba Lan về những người xếp hàng dài gần các kho than do nhu cầu tăng mạnh dù mùa sưởi đã kết thúc. Cổng thông tin Onet cũng xác nhận rằng hơn 100 phương tiện đã xếp hàng tại kho than ở Gorzyce Wielkie, Ba Lan chờ mua than tích trữ.

Trong bối cảnh thiếu hụt, nhiều chủ hộ đã buộc phải mua than từ các đại lý với giá 700 - 800 USD / tấn, cao hơn nhiều so với mức giá chính thức khoảng 234 USD. Trong nhiều năm, Ba Lan vẫn luôn nhập khẩu than từ Nga và nguồn cung ổn định này giúp giá nhiên liệu trong nước được giữ ổn định.

Riêng trong năm 2020, nước này đã nhập khoảng 9,4 triệu tấn than đá – chiếm 20% lượng tiêu thụ nội địa - chủ yếu dùng cho vấn đề sưởi ấm của các hộ gia đình. Ngoài than đá, Ba Lan còn nhập khẩu khoảng 50% lượng khí đốt và hơn 60% lượng dầu thô của Nga. Dù vậy, bất chấp những khó khăn trước mắt, Ba Lan vẫn kiên quyết chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga bao gồm dầu, khí đốt và than vào cuối năm 2022.

Do giá nhiên liệu rẻ, Hungary đang là điểm đến "du lịch xăng dầu" của nhiều người mua nước ngoài. Ảnh: Hungary Today

Do giá nhiên liệu rẻ, Hungary đang là điểm đến "du lịch xăng dầu" của nhiều người mua nước ngoài. Ảnh: Hungary Today

Trong khi đó, tình hình tại Hungary – một quốc gia khác phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng Nga – lại khác biệt hoàn toàn. Nhờ đồng ý theo các chính sách thanh toán mới của Nga, chính phủ Thủ tướng Viktor Orban đã có thể đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia. Dù vậy, Hungary cũng không nằm ngoài xu thế lạm phát của thế giới và chính phủ đã phải ban hành giới hạn giá xăng ở mức 1,31 USD / lít.

Mức giá này thấp hơn nhiều so với ngưỡng 1,91 USD tới 2,45 USD ở nhiều quốc gia khác trong châu Âu. Như một kết quả tất yếu, nó dẫn tới tình trạng “du lịch xăng dầu” khi những tài xế từ những quốc gia lân cận Hungary lái xe sang nước này để mua xăng.

Phản ứng lại tình trạng này, Chánh văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban ông Gergely Gulyas hôm 26/5 cho biết những tài xế có biển số xe nước ngoài sẽ không được phép mua xăng ở Hungary theo giá thị trường nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các người mua nước ngoài sẽ bị buộc phải trả một mức giá cao hơn giá mà người dân Hungary mua.

Theo ông, động thái này của chính phủ Hungary nhằm ngăn chặn việc những người mua nước ngoài lợi dụng nguồn cung nhiên liệu có mức giá thấp nhất châu Âu của nước này và đe dọa tới an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài xăng và gas, nó còn được áp dụng đối với cả các mặt hàng chủ lực như bột mì và đường.

Hungary cũng là một trong những nước phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ trong gói trừng phạt thứ 6 lên Nga. Theo chính phủ nước này, các lệnh cấm vận như vậy sẽ khiến chính nền kinh tế và quốc gia Hungary chịu ảnh hưởng tiêu cực thay vì tạo ảnh hưởng đáng kể lên Nga.

Và trong khi châu Âu vẫn đang lưỡng lự trước lệnh cấm vận dầu mỏ, các nước châu Á đang từng bước dần thay thế EU trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất từ Nga. Theo hãng tin Bloomberg hôm 27/5 từ công ty phân tích Kpler có trụ sở tại Singapore, lượng dầu xuất khẩu từ Nga tới châu Á đạt top 1 thế giới trong tháng 4 vừa qua.

Cụ thể, châu Á đã nhận tổng cộng 71,7 triệu thùng dầu thô của Nga, nhiều hơn gấp đôi so với lượng Nga vận chuyển đến khu vực này trước khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu. Theo nhà phân tích cấp cao Jane Xie tại Kpler, một số người mua ở châu Á để tâm tới vấn đề kinh tế hơn là quan điểm chính trị.

Theo nhà tư vấn ngành FGE, khối lượng dầu vận chuyển bằng đường biển từ Nga tới châu Á sẽ tăng từ 45 đến 60 triệu thùng trong tương lai gần do mở rộng thương mại.

Đọc tiếp