Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Điều gì đảm bảo sự minh bạch?

CRA TRÁI PHIẾU
16:57 - 12/04/2022
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings
0:00 / 0:00
0:00
Các chủ thể tham gia thị trường chưa quan tâm đúng mức đến tính minh bạch thông tin của cả các tổ chức phát hành lẫn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, đây là một trong những hạn chế cơ bản hiện nay, nhận định của Chủ tịch HĐTQ Saigon Ratings. 

Đối với thế giới, tầm ảnh hưởng của các chức xếp hạng tín nhiệm (Credit Rating Agency - CRA) quốc tế lên thị trường tài chính là rất đáng kể. Mỗi một động thái xếp hạng đều có thể kích hoạt những loại phản ứng khác nhau lên thị trường.

Nhu cầu về sự có mặt của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập trong nước được coi là một bước tiến mới giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, hỗ trợ tính minh bạch và sức phát triển của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thúc đẩy kênh huy động vốn hiệu quả đồng thời bảo vệ quyền lợi và lợi ích của nhà đầu tư.

Đó là quan điểm của ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Sài gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Ratings) trong cuộc trao đổi với Mekong Asean.

Mekong Asean: Hình thành từ khá sớm, Saigon Ratings tuyên bố là một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tiên có mặt tại Việt Nam, vậy suốt những năm qua hoạt động của công ty như thế nào thưa ông?

Saigon Ratings đã bắt đầu quan tâm nghiên cứu đề án tiền khả thi và khả thi, thành lập một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập (Credit Rating Agency - CRA) đầu tiên ở thị trường Việt Nam từ năm 2010.

Thời gian 3 năm sau đó, Saigon Ratings đã mời gọi, hợp tác và cùng làm việc với một nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế, để xây dựng hoàn thành Bộ Hồ sơ pháp lý và chuyên môn, trên cơ sở tham khảo thông lệ hoạt động và chất lượng chuyên môn của một số tổ chức CRA Châu Á có uy tín.

Đầu năm 2015, Saigon Ratings đã đệ trình hồ sơ pháp lý đến Bộ Tài chính xem xét và chịu sự thẩm định của 8 bộ, ngành chức năng. Tháng 7/2017, Saigon Ratings chính thức được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm ở thị trường trong nước.

Saigon Ratings đã trở thành tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập đầu tiên của Việt Nam. Ngay tại thời điểm năm 2018, chúng tôi đã cung cấp dịch vụ xếp hạng cho số doanh nghiệp FDI trên thị trường trong nước.

Đến nay, Saigon Ratings đã sẵn sàng đảm bảo các nguồn lực quan trọng để cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho thị trường trong nước, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực chất lượng chuyên môn của các tổ chức CRA thế giới; đã thực hiện quy trình xếp hạng tín nhiệm cho hơn 200 doanh nghiệp (tài chính và phi tài chính) và các loại hình trái phiếu.

Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ xếp hạng cho 10 doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong nước và FDI. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ tiếp tục công bố kết quả xếp hạng thêm cho khoảng 15 - 20 tổ chức phát hành trên thị trường.

Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán hợp tác chiến lược với một tổ chức dữ liệu lớn, có uy tín của thế giới nhằm góp phần cung cấp nguồn dữ liệu lớn, cho thị trường tài chính quốc gia trong thời gian tới.

Mekong Asean: Ông đánh giá thế nào về thị trường trái phiếu trong thời gian qua?

Đối với khái niệm về thị trường trái phiếu, thì chúng ta cũng mới chỉ biết nhiều đến trái phiếu Chính phủ. Hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn rất mới mẻ, chưa được thị trường quan tâm đúng mức, các văn bản pháp luật của Nhà nước cũng đang từng bước ngày càng được hoàn thiện.

Chúng tôi dự báo trong tương lai gần, với xu hướng phát triển hội nhập quốc tế sâu rộng của nền kinh tế, thì nhu cầu huy động vốn từ kênh trái phiếu của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết và có nhiều tiềm năng phát triển. Đó cũng xu hướng phát triển thị trường tài chính thế giới.

Để hỗ trợ tính minh bạch trên thị trường, cuối năm năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP Quy định cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm bao gồm các quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng.

Theo Nghị định Chính phủ số 155/2020/NĐ–CP về hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán mới, cũng chỉ mới quy định một số tiêu chí bắt buộc áp dụng, cho một số đối tượng tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng mà thôi. Rõ ràng nhu cầu về hoàn thiện khung khổ chính sách và các công cụ thị trường khác như xếp hạng tín nhiệm để quản lý và đảm bảo sự minh bạch, sức phát triển của thị trường là rất rõ ràng.

Nhiều ý kiến cho rằng cần một văn hoá xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, xin cho biết quan điểm của ông?

Nguyên tắc hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập là độc lập, khách quan, chính trực và minh bạch.

Như vậy, các tổ chức CRA là một loại hình hoạt động đặc thù và được coi là một tổ chức trung gian không thể thiếu của thị trường đối với sự vận hành thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng trên thế giới và ở mỗi quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển.

Hoạt động hiệu quả của các tổ chức CRA, sẽ giúp khắc phục tính bất đối xứng thông tin đầu tư trái phiếu trên thị trường. Tức là cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin công khai minh bạch, của tất cả các tổ chức phát hành (doanh nghiệp tài chính và phi tài chính) và trái phiếu doanh nghiệp phát hành, tham gia trên thị trường để các nhà đầu tư tổ chức hoặc cá nhân có thể tham khảo và cân nhắc quyết định đầu tư.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển là tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, sự tăng trưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong thời gian qua là quá nóng, thiếu tính bền vững và chưa đúng định hướng. Trong khi đó, các yếu tố quan trọng vận hành của thị trường vẫn chưa thật sự đồng bộ, kịp thời, chắc chắn và hiệu quả.

Để thị trường trái phiếu thật sự trở thành kênh huy động vốn đầu tư hiệu quả trung và dài hạn cho cả nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, thì nhất thiết cần phải đảm bảo sự chủ động sẵn sàng từ cả ba phía.

Đó là, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và hiệu lực chính sách quản lý Nhà nước; tính minh bạch thông tin của các tổ chức phát hành (bao gồm cả tổ chức phát hành và các trái phiếu doanh nghiệp phát hành) khi tham gia thị trường; và yêu cầu tuân thủ nghiêm pháp luật của tất cả các chủ thể tham gia trên thị trường.

Kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu ở các quốc gia tiên tiến cho thấy, từ nhiều thập kỷ qua đã hình thành văn hoá xếp hạng tín nhiệm và thông tin đầu tư trái phiếu được thực hiện một cách công khai minh bạch, kịp thời và đầy đủ cho các nhà đầu tư, trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đây là các yêu cầu thông tin hết sức cần thiết, quan trọng nhằm vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể thu hút vốn đầu tư đa dạng trên thị trường; vừa đảm bảo cho thị trường trái phiếu vận hành phát triển bền vững, minh bạch.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam được xếp vào nhóm tăng trưởng nhanh trong khu vực ASEAN, nhưng công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập nay mới có 2 đơn vị, thế này có đồng nghĩa với việc không tương xứng?

Theo số liệu thống kê cho thấy, có hơn 96% trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo hình thức riêng lẻ, trong khi đó phát hành ra công chúng chỉ có gần 4% trên thị trường. Thủ tục hồ sơ pháp lý phát hành trái phiếu ra công chúng chưa thật sự giản đơn, thuận lợi nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được vận hành trên thị trường với “3 không”: Không có xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán. Số liệu cũng cho thấy phần lớn dòng tiền phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đều tập trung đổ về các kênh đầu tư bất động sản.

Vấn đề là tính minh bạch thông tin của các tổ chức phát hành và trái phiếu doanh nghiệp phát hành chưa được các chủ thể tham gia thị trường quan tâm đúng mức. Đây là các vấn đề hạn chế cơ bản, trong điều kiện thị trường phát triển còn sơ khai nên tôi cho rằng cần phải nhanh chóng và kiên quyết điều chỉnh định hướng phù hợp, định hướng tâm lý cho các nhà đầu tư.

Lịch sử và kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu ở các quốc gia tiên tiến cho thấy, mỗi nước thông thường chỉ có 3 tổ chức CRA chứ cũng không có nhiều.

Thực tế cho thấy, trong điều kiện phát triển thị trường trái phiếu còn sơ khai hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của thị trường là không nhiều. Nhu cầu xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp trên thị trường vẫn còn rất hạn chế.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, là các tổ chức CRA vừa cần phải đầu tư phát triển toàn diện các nguồn lực của tổ chức; vừa phải đảm bảo các yêu cầu về năng lực chuyên môn, chất lượng cung cấp dịch vụ và đảm bảo vận hành hoạt động phù hợp với thông lệ và chuẩn mực chất lượng chuyên môn của các tổ chức CRA thế giới.

Đối với hoạt động xếp hạng tín nhiệm đòi hỏi phải độc lập, khách quan, chính trực và minh bạch. Vậy làm thế nào để kiểm chứng được việc này?

Các tổ chức hoạt động CRA đều phải vận hành theo đúng nguyên tắc và chuẩn mực trong nước cũng như quốc tế, việc này có luật pháp giám sát.

Trong trường hợp của Saigon Ratings, chúng tôi đã ban hành áp dụng thống nhất nội bộ hệ thống các quy định quan trọng như bộ quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, dựa theo tiêu chuẩn của Uỷ ban Chứng khoán quốc tế (ISCO); quy định tuân thủ tuyệt đối Hệ thống kiểm soát nội bộ; hệ thống quy trình nghiệp vụ xếp hạng tín nhiệm, các quy trình quản lý chặt chẽ về xung đột lợi ích (nếu có)...

Trong hơn một thập kỷ qua, Saigon Ratings đã quyết tâm và kiên trì đầu tư phát triển toàn diện các nguồn lực của 1 tổ chức xếp hạng độc lập nhằm chủ động đón chờ cơ hội phát triển của thị trường trong trung và dài hạn.

Trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi sớm trình hồ sơ, thẩm định đến Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhằm tranh thủ đón nhận các nguồn lực về hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí tài trợ, theo các dự án và chương trình tài khoá hàng năm ADB hỗ trợ cho các tổ chức CRA, trong giai đoạn đầu phát triển.

Chúng tôi có cũng kế hoạch hợp tác chiến lược với một tổ chức dữ liệu có uy tín hàng đầu thế giới nhằm phát triển và cung cấp nguồn dữ liệu thông tin lớn cho thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian tới.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.