Thông điệp liên bang 2022: 'Mỹ sẽ không triển khai quân đội tại Ukraine'

Thông điệp MỸ
15:25 - 02/03/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Trong bài Thông điệp liên bang đầu tiên sáng nay trước lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành nhiều thời gian đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó ông khẳng định nước Mỹ sẽ không tham chiến tại quốc gia Đông Âu này. 

Trong Thông điệp Liên bang, ông Joe Biden đưa ra những mục tiêu về tầm nhìn, phương hướng, chính sách đối nội, đối ngoại cho những năm tiếp theo của nhiệm kỳ tổng thống. Sự kiện này đến vào thời điểm nước Mỹ đang chứng kiến nhiều biến động chính trị và tình hình thế giới đang căng thẳng do cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

Trong bài phát biểu dài 62 phút của, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh lại những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được: Mỹ dường như đang chuyển sang giai đoạn mới của đại dịch Covid-19, nhiều biện pháp hạn chế đã được nới lỏng và nền kinh tế cũng đang phục hồi nhanh chóng, tuy nhiên lạm phát lại tăng khá cao.

Theo truyền thống, các thông điệp đều tập trung chủ yếu vào vấn đề đối nội, nhưng cuộc chiến tại Ukraine đã buộc Nhà Trắng phải thay đổi một số ưu tiên và phải làm cho Thông điệp liên bang 2022 phản ánh được “thời khắc của thời đại” - như cách nói của phát ngôn viên Nhà Trắng tại buổi họp báo hôm 28/2.

Tái khẳng định không can thiệp quân sự tại Ukraine

Tổng thống Joe Biden mở đầu bài thông điệp liên bang bằng cách đề cập trực tiếp đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga "đã được định trước" và "tiến hành vô cớ".

"Ông ấy nghĩ Nga có thể tiến vào Ukraine và thế giới sẽ đảo ngược. Thế nhưng, ông ấy vấp phải bức tường sức mạnh mà ông ấy không bao giờ lường trước được. Đó là những người dân Ukraine", ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine. Ảnh: AP

Tổng thống Joe Biden nhắc lại rằng, Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine. "Hãy để tôi nói rõ - lực lượng của chúng ta sẽ không tham gia vào cuộc xung đột với lực lượng Nga ở Ukraine", ông Biden khẳng định. Thay vào đó ông cho biết, quân đội Mỹ được triển khai đến Châu Âu không phải để chiến đấu ở Ukraine, mà để "bảo vệ các đồng minh NATO trong trường hợp ông Putin quyết định tiếp tục di chuyển về phía Tây".

Ông Biden cho biết thêm rằng, vì mục tiêu trên, Mỹ đã "huy động lực lượng mặt đất, phi đội không quân, triển khai tàu để bảo vệ các nước NATO bao gồm Ba Lan, Romania, Latvia, Lithuania và Estonia".

Gần đây, Tổng thống Biden cam kết rằng Mỹ sẽ tuân thủ nguyên tắc Điều 5 của NATO, trong đó khẳng định rằng bất cứ cuộc tấn công nào vào một quốc gia NATO cũng có thể coi là cuộc tấn công vào tất cả các nước thành viên còn lại. Lần này, ông Biden một lần nữa khẳng định: "Như tôi đã nói rõ, Mỹ và các nước đồng minh của chúng ta sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của các nước NATO bằng toàn bộ sức mạnh tập thể của chúng ta”.

Cũng trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Biden đã thông báo lệnh cấm máy bay Nga vào không phận Mỹ. Đây là quyết định mới nhất trong một loạt lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt chống Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại vùng Donbass (miền Đông Ukraine).

"Cùng với các đồng minh, chúng tôi sẽ đóng cửa không phận Mỹ đối với tất cả các chuyến bay Nga, cô lập Nga hơn nữa và tăng thêm sức ép đối với nền kinh tế của họ", Tổng thống Biden nói.

Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, Oksana Markarova, được đệ nhất phu nhân Jill Biden ôm trong Thông điệp liên bang đầu tiên của Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP

Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, Oksana Markarova, được đệ nhất phu nhân Jill Biden ôm trong Thông điệp liên bang đầu tiên của Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP

Về phần Ukraine, Tổng thống Biden thể hiện tình đoàn kết với người dân Ukraine, đồng thời kêu gọi các thành viên Quốc hội sát cánh với ông để gửi một “tín hiệu không thể nhầm lẫn đến Ukraine và thế giới”. "Đối với người dân Ukraine, chính sự dũng cảm và quyết tâm của họ, đã truyền cảm hứng cho thế giới", ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ cũng cam kết tiếp tục viện trợ trực tiếp sau khi đã gửi hơn 1 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo. Đây là số viện trợ từ Mỹ và các đồng minh.

Nỗ lực giải quyết các vấn đề trong nước

Đề cập đến các vấn đề trong nước, Tổng thống Biden cho biết, ông muốn chống lạm phát bằng cách hạ giá thành sản xuất hàng hóa, qua đó thúc đẩy sản xuất. Ông Biden cho rằng việc giảm chi phí cũng có nghĩa là sản xuất nhiều ô tô và chất bán dẫn hơn tại Mỹ, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng giúp hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn và rẻ hơn.

"Một cách để chống lạm phát là giảm lương, nhưng điều này sẽ người Mỹ khó khăn hơn. Vậy nên ý tưởng tốt hơn để chống lạm phát, đó là giảm chi phí", Tổng thống cho hay. Ngoài ra ông kêu gọi rằng "hãy sản xuất tại Mỹ" thay vì "phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài".

Toàn cảnh bài phát biểu Thông điệp liên bang của Tổng thống Joe Biden trước Quốc hội. Ảnh: AP

Toàn cảnh bài phát biểu Thông điệp liên bang của Tổng thống Joe Biden trước Quốc hội. Ảnh: AP

Tổng thống Biden cũng thông báo, nước Mỹ sẽ giải phóng ra 30 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). "Tôi có thể thông báo rằng Mỹ đã làm việc với 30 quốc gia khác để xuất đi 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ trên toàn thế giới. Mỹ sẽ đi đầu trong nỗ lực này, xuất ra 30 triệu thùng dầu". Đây là một phần trong nỗ lực nhằm bình ổn thị trường sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Washington "sẵn sàng làm hơn thế nữa, nếu cần thiết".

Tổng thống cũng nhấn mạnh các khoản đầu tư (từ việc nâng cấp hệ thống truy cập Internet đến xây dựng cầu), thông qua luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD vào tháng 11/2021. Ông đưa ra các đề xuất như mở rộng tín dụng thuế và giảm chi phí chăm sóc trẻ em - đây là biện pháp nhằm cứu trợ cho các gia đình khi giá cả tăng lên. Ngoài ra, ông Biden kêu gọi giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, trình bày kế hoạch ủy quyền cho Medicare bình ổn giá thuốc, cũng như mở rộng các khoản trợ cấp bảo hiểm y tế.

Về vấn đề dịch Covid-19, ông Biden cho biết tình hình nước Mỹ đang được kiểm soát. Ông kêu gọi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hợp tác với nhau, dừng chính trị hóa dịch bệnh, khép lại những chia rẽ để cùng kiểm soát dịch bệnh và mở lại doanh nghiệp, trường học.

Ngoài ra, ông kêu gọi người Mỹ "trở lại với công việc" và làm hồi sinh sự sôi động của đất nước. "Đã tới lúc nước Mỹ trở lại với công việc và làm cho các khu trung tâm tuyệt vời của chúng ta sầm uất trở lại", ông nói. "Những người làm việc ở nhà có thể cảm thấy an toàn khi bắt đầu quay lại công sở".

Tin liên quan

Đọc tiếp