Thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền: Chưa luật hóa với tiền ảo, tài sản ảo

QUỐC HỘI Việt nAM
16:06 - 15/11/2022
Thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền: Chưa luật hóa với tiền ảo, tài sản ảo
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 04 Chương, 66 Điều.

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 483 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 96,99 %. Như vậy Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Trước biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cho biết, có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn vì sao có một số khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) vẫn chưa được thể chế hóa trong dự thảo Luật, bao gồm việc quản lý tài sản ảo và tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo. Đại biểu đề nghị xem xét, nghiên cứu bổ sung, dẫn chiếu các quy định của các nước đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo.

Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo Luật về vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực này do tiền ảo, tài sản ảo có thể dễ dàng được trao đổi trên phạm vi toàn cầu và thực tế thời gian qua có rất nhiều người tham gia vào các hoạt động của các sàn tiền ảo.

Cần làm rõ để tạo hành lang pháp lý kiểm soát những hành vi có thể lợi dụng thông qua rửa tiền để tài trợ khủng bố, chuyển đổi tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp thành tiền séc hoặc chuyển qua các tài khoản thông qua việc mua bán, trao đổi tiền ảo, nhất là các đối tượng có yếu tố nước ngoài; tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các hoạt động có rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung hành vi rửa tiền thông qua công nghệ sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải một tình tiết tăng nặng như quy định của Bộ luật Hình sự. Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung điều khoản quy định về việc tịch thu tài sản ảo, tiền ảo theo chuẩn mực quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Giải trình ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, một số khuyến nghị như công nghệ mới (tài sản ảo), cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước chưa đưa ngay vào dự thảo luật Phòng chống rửa tiền.

Sớm hoàn thiện pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa rửa tiền

Đối với nội dung liên quan tài sản ảo, từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là đầu mối, phối hợp các bộ ngành nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế đối với vấn đề này. Hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nên chưa có đủ cơ sở để quy định các loại hình mới này trong luật.

Song, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy việc mua bán, trao đổi các tài sản ảo tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền cũng như rủi ro cho chính cá nhân tham gia. Do đó, dự thảo luật đã quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.

Tin liên quan

Đọc tiếp