Thủ tướng Chính phủ: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021

CHÍNH SÁCH Việt nAM
19:37 - 02/12/2021
Thủ tướng Chính phủ: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ xác định quyết tâm kiên định thực hiện quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021.

Tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đã có khởi sắc

Ngày 2/12/2021, chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch bệnh về cơ bản đã kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc, tình hình kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 của Chính phủ (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 của Chính phủ (Ảnh: VGP)

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm, trong tháng 11, song song với kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế tiếp tục từng bước mở cửa, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi sinh hoạt xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,32% so với tháng 10, CPI 11 tháng tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá tiếp tục ổn định, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng đạt 9,65%. Hết tháng 11, thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán năm, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chi và nguồn ngân sách cho phòng, chống dịch cũng như các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.

Khu vực doanh nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%, đặc biệt là tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước.

Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá. Sản xuất công nghiệp phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước tháng 11 tăng 5,5% so với tháng 10, tính chung 11 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh sau khi mở cửa trở lại.

Về đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 tăng 14,7% so tháng 10, đạt 73,8% kế hoạch năm. Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng tăng 11% so với cùng kỳ, cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Nhìn chung, Bộ KH&ĐT đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nền kinh tế bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực tăng trưởng trở lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động dần ổn định và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ ỔN ĐỊNH

Thủ tướng nhấn mạnh một số kết quả đạt được, như kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, thu đủ chi, xuất đủ nhập, xuất nhập khẩu đạt gần 600 tỷ USD, xuất siêu trở lại, các nhu cầu về năng lượng, lương thực, thực phẩm được đáp ứng đầy đủ, thị trường lao động từng bước phục hồi rất nhanh. Cùng với đó, một số vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm như đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động…

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021

Về nhiệm vụ hiện tại, Chính phủ và các cơ quan liên quan đang tích cực hoàn thành xây dựng dự thảo đề án Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch COVID-19.

Trọng tâm phiên họp Chính phủ hôm 2/12 xác định trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, nhiệm vụ quan trọng cho các cấp, các ngành là bám sát diễn biến dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, có phương án chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Đồng thời, kiên định, quyết tâm, quán triệt nghiêm việc thực hiện quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021, tạo nền tảng, động lực phục hồi và phát triển vững chắc từ năm 2022.

ƯU TIÊN HOÀN THIỆN THỂ CHẾ

Thủ tướng lưu ý ưu tiên hoàn thiện thể chế, tập trung cho các lĩnh vực biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, ba khâu đột phá chiến lược; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị để thu hút đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện các quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Đồng thời, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Thúc đẩy thương mại bền vững, ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI. Triển khai công tác kiểm tra, đôn đốc của 6 Tổ công tác nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60%, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Song song hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

Các ý kiến tại phiên họp cũng thẳng thắn chỉ ra còn không ít hạn chế, bất cập. Dịch bệnh diễn biến còn phức tạp và dự báo có thể tiếp tục phức tạp với các biến chủng mới, số ca nhiễm mới và tử vong đang có xu hướng tăng. Thủ tướng yêu cầu cần tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn vấn đề này, phải hết sức bình tĩnh, không lơ là, chủ quan cũng không lo sợ, hốt hoảng trong phòng chống dịch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công thức, phương châm phòng chống dịch đã được đúc rút, tổng kết. Kinh tế - xã hội còn tiềm ẩn một số vấn đề về nợ xấu, lạm phát, an ninh kinh tế, đầu tư công, rủi ro của thị trường bất động sản, chứng khoán. An sinh xã hội còn một số vấn đề cần tiếp tục khắc phục. Công tác quy hoạch, giải ngân đầu tư công còn chậm.

Tin liên quan

Đọc tiếp