Thủ tướng: 'Lấy người dân làm chủ thể giải quyết các vấn đề toàn cầu'

ASEM 13
10:47 - 27/11/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 13 ngày 26/11. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 13 ngày 26/11. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM13), Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra các đề xuất tăng cường hợp tác đối phó thách thức toàn cầu, trong đó nhấn mạnh lấy người dân làm chủ thể.

Trong hai ngày 25-26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia Hội nghị trực tuyến Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 13, theo lời mời của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, lãnh đạo nước chủ nhà hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chia sẻ và đánh giá về cục diện thế giới, khu vực, các xu thế phát triển và những vấn đề mới đang đặt ra đối với khu vực Á - Âu. Ông nhận định các thách thức như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số và an ninh an toàn mạng là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và tác động tới mọi người, đồng thời kêu gọi các quốc gia Á - Âu tăng cường hợp tác bằng các đề xuất cụ thể.

Ông đề nghị các nước đoàn kết, chung tay hợp tác, vì không một quốc gia nào có thể tự giải quyết các vấn đề toàn cầu. Quan hệ hợp tác này phải lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm, là mục tiêu và động lực cho sự phát triển và giải quyết, khắc phục các vấn đề mang tính toàn cầu.

Trong ứng phó đại dịch, Thủ tướng đề cao hợp tác, chia sẻ và tiếp cận bình đẳng trong sản xuất, phân bổ thuốc chữa bệnh, vacicne Covid-19.

Ông đề nghị các nước phát triển cần giúp đỡ các quốc gia đang phát triển có năng lực đối phó với các vấn đề toàn cầu, như có cơ chế huy động tài chính phù hợp, đủ lớn, kịp thời để chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh.

Các nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm về tình hình chính trị, kinh tế xã hội tại hai châu lục và thảo luận về các phương hướng nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác ASEM. Ảnh: VGP

Các nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm về tình hình chính trị, kinh tế xã hội tại hai châu lục và thảo luận về các phương hướng nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác ASEM. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng kêu gọi đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực cho các nước đang phát triển và các nước nghèo, thúc đẩy tăng cường hợp tác công-tư để huy động nguồn lực cho sự phát triển. Ông thông báo Việt Nam sẽ tổ chức "Hội nghị bàn tròn ASEM về kinh tế số" trong năm 2022 để đóng góp cho tiến trình này.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả Covid-19, cũng như đóng góp có trách nhiệm trong giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông chia sẻ nỗ lực của Việt Nam và các nước ASEAN trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn, kết nối giao thương Á - Âu và toàn cầu. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia tránh những hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và trái luật pháp quốc tế.

Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13, với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện 53 thành viên, là sự kiện quan trọng nhất trong ba năm qua, diễn ra vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập diễn đàn. Các đại biểu thảo luận về nỗ lực chung và hợp tác đa phương trong giải quyết thách thức toàn cầu, ứng phó Covid-19, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm, tăng cường kết nối xã hội và văn hóa.

Sau hội nghị, các lãnh đạo Á - Âu thông qua Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM 13, Tuyên bố Phnom Penh về Covid-19 và phục hồi kinh tế cũng như Định hướng hợp tác ASEM về Kết nối.

ASEM được thành lập tháng 3/1996 theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của ASEAN. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên ASEM, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.

Sau 25 năm, ASEM đã tăng gấp đôi số thành viên ban đầu từ 26 lên 53, gồm 22 thành viên châu Á và 31 thành viên châu Âu, chiếm khoảng 60% dân số thế giới, đóng góp 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu. ASEM trở thành cơ chế đối thoại, hợp tác có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển.

Tin liên quan

Đọc tiếp