Thủ tướng chủ trì Hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản

BẤT ĐỘNG SẢN CHÍNH PHỦ
12:56 - 03/08/2023
Thủ tướng chủ trì Hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị tổ chức chiều nay diễn ra sau hơn 4 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Văn phòng Chính Phủ vừa có Công điện số 1113/CĐ-VPCP về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Hội nghị dự kiến diễn ra vào lúc 14h ngày 3/8/2023.

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Đáng chú ý, thành phần tham dự hội nghị còn có các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản: Tập đoàn Vingroup, SunGroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.INVEST, IMG, Tập đoàn Phú Cường, Becamex IDC Bình Dương, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Nam Long, Công ty Hoàng Quân…

Ngoài ra, các Ngân hàng: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương Việt Nam (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Quân đội (MB Bank); các doanh nghiệp xây lắp như CTCP Xây dựng Coteccons, CTCP xây dựng Hòa Bình, CTCP xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng được mời tham dự Hội nghị.

Bộ Xây dựng được giao chuẩn bị 200 bộ tài liệu và báo cáo phát biểu tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và chịu trách nhiệm gửi tài liệu đến các điểm cầu địa phương dự Hội nghị.

Hội nghị này diễn ra sau hơn 4 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Nghị quyết này chính thức có hiệu lực từ ngày 12/3/2023, trong đó đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, một trong những điểm đáng chú ý nhất đó là các giải pháp liên quan đến nguồn vốn tín dụng. "Vốn tín dụng sẽ tập trung cho các dự án, phương án vay khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn", Nghị quyết nêu rõ.

Trong đó, nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ giao NHNN xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ,…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

NHNN cũng được yêu cầu chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng của từng dự án và loại hình phân khúc bất động sản như bất động sản nhà ở phù hợp thu nhập người dân, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; bất động sản công nghiệp, du lịch, văn phòng,... để xem xét điều chỉnh các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có những rủi ro.

Ngoài ra, nhà điều hành xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Chính phủ lưu ý chủ đầu tư phải có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.