Thủ tướng: 'Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát'

KINH TẾ QUỐC HỘI
10:51 - 20/10/2022
Thủ tướng: 'Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát'
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng nhấn mạnh, những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 cần tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa thận trọng, chắc chắn.

Ngày 20/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo Thủ tướng, năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước, rất khác biệt so với thời điểm xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.

Trong nước, Việt Nam là nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu từ các cú sốc bên ngoài còn hạn chế nên cũng chịu áp lực rất lớn từ lạm phát, tăng giá cả hàng hóa, giá xăng dầu. Trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, thiệt hại.

Kinh tế - xã hội vẫn đạt được những kết quả rất tích cực

Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, khó khăn chồng khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội vẫn đạt được những kết quả rất tích cực.

Trong năm 2022, Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Trong đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 1.327 nghìn tỷ đồng, đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm đạt 1.614 nghìn tỷ đồng, vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD. Cả năm dự báo đạt 735 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 368 tỷ USD, là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 12,5%; vốn FDI thực hiện đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3%.

Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, trong 9 tháng có hơn 163 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và giao kế hoạch vốn chi tiết 3 Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92 nghìn tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Nhờ đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia; cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu, phấn đấu trong tháng 12/2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam…

Thủ tướng cũng cho hay, việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả. Đến nay, giảm 7 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục (thuộc bộ và thuộc tổng cục); giảm 60 vụ và tương đương (thuộc bộ và thuộc tổng cục); giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến giảm 17 tổng cục và tương đương, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục, bộ; 22 đơn vị sự nghiệp và giảm căn bản phòng trong vụ.

Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đến nay đã hỗ trợ khoảng 87 nghìn tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả trên tạo đà cho phục hồi và phát triển KTXH năm 2023 và cả giai đoạn kế hoạch 2021-2025, tạo dư địa chính sách, nhất là về tài khóa để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Khó khăn thách thức nhiều hơn thuận lợi

Bước sang năm 2023, Thủ tướng nhận định, có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới là rất lớn, khó khăn, thách thức phải đối mặt rất nhiều, mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao.

Với mức độ hội nhập và độ mở của nền kinh tế lớn, trước những bất ổn, rủi khó khó đoán định, năm 2023 dự báo kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Do đó, về mục tiêu nhiệm vụ những tháng cuối năm và năm 2023, Thủ tướng đề nghị:

Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành nhất quán, không giật cục, thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả.

Duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, tính toán kỹ tác động, hiệu quả khi điều hành lãi suất, tỷ giá. Kiểm soát và bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong, ngoài nước, phối hợp đồng bộ với điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý ngân hàng yếu kém.

Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ổn định và phát triển các loại thị trường lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập. Khắc phục vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện môi trường pháp lý để phát triển đồng bộ các loại thị trường ổn định, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, lao động và khoa học công nghệ.

Có những giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất. Kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Tiếp tục thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất các nhân tố tổng hợp; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số.

Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc đã có chủ trương đầu tư; một số dự án đường sắt đô thị; nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay. Cụ thể như các sân bay: Phan Thiết, Thành Sơn, Chu Lai, Lào Cai, Nà Sản, Vinh; nghiên cứu nâng cấp, mở rộng theo phương thức PPP để khai thác lưỡng dụng đối với các sân bay Biên Hòa, Gia Lâm và một số sân bay khác…

Dự kiến kế hoạch năm 2023, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,0 - 6,0%.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.