Thủy sản Minh Phú dự kiến dùng 70% lợi nhuận 2022 để chia cổ tức

Việt nAM THỦY SẢN
21:25 - 05/06/2022
Thủy sản Minh Phú dự kiến dùng 70% lợi nhuận 2022 để chia cổ tức
0:00 / 0:00
0:00
Theo tài liệu ĐHĐCĐ 2022 của Thủy sản Minh Phú vừa công bố, công ty dự kiến chia cổ tức từ 50 - 70% lợi nhuận đạt được trong năm 2022. Ngoài ra, công ty còn đưa ra 5 mô hình sản xuất trong năm 2022.

Trong năm 2022, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC) cho biết sẽ xem xét phê duyệt kế hoạch phân phối lợi nhuận. Cụ thể, chia cổ tức từ 50 – 70% lợi nhuận đạt được năm 2022; trích 5% lợi nhuận 2022 dành cho quỹ nghiên cứu phát triển.

Về kế hoạch sản xuất năm 2022, Thủy sản Minh Phú đặt chỉ tiêu sản lượng là 64.600 tấn, doanh thu đạt 21.018 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.373 tỷ đồng.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ 2022, Thủy sản Minh Phú sẽ phát hành 199.943.650 cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Sau khi phát hành thành công, số lượng cổ phiếu của công ty lưu hành là 399.887.300 cổ phiếu.

Đối tượng phát hành là tất cả cổ đông hiện hữu trong danh sách cổ đông của Thủy sản Minh Phú. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ thặng dư vốn cổ phần tại ngày 31/12/2021, cụ thể là 2.297 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt phương án.

Cũng theo tài liệu ĐHĐCĐ 2022, Thủy sản Minh Phú quyết định miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đối với ông Nagoya Yutaka và ông Tsukahara Keiichi.

Trước đó, ông Nagoya Yutaka và ông Tsukahara Keiichi đã có đơn từ nhiệm gửi HĐQT của Thủy sản Minh Phú. Cụ thể, vì lý do cá nhân, ông Nagoya Yutaka và ông Tsukahara Keiichi xin từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT lần lượt từ ngày 2/6 và 23/6. Hiện hai thành viên được đề cử đều không nắm giữ cổ phần tại Thủy sản Minh Phú.

Sau khi phê duyệt đơn miễn nhiệm từ hai thành viên HĐQT trên, MPM Investments Pte.ltd (sở hữu 70,2 triệu cổ phiếu của MPC) đã đề cử bầu bổ sung ông Sasaki Takahiro và ông Hamaya Harutoshi vào danh sách thành viên HĐQT.

Thủy sản Minh Phú đề ra 5 mô hình sản xuất

Trong năm 2022, Thủy sản Minh Phú tiếp tục thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, với tầm nhìn phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số.

Để đạt được kế hoạch trên, công ty cho biết sẽ phải đạt đạt được mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, từ khâu lai tạo con giống đến khâu xuất khẩu, phân phối tại các thị trường.

Đồng thời, Thủy sản Minh Phú sẽ thực hiện các dự án lớn nhằm xây dựng các vùng nuôi tập trung như tôm rừng, tôm quảng canh… Song song, Thủy sản Minh Phú cho biết đã và đang phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Viện nghiên cứu thủy sản để tập trung phát triển tôm sú giống kháng bệnh và thích nghi, năng suất cao, giúp tăng thị phần tôm sú từ 20% hiện lên 50% và cao hơn nữa.

Nhằm chủ động nguyên liệu sạch và bền vững, đồng thời đẩy mạnh năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán. Chuỗi giá trị tôm sẽ triển khai xây dựng dưới 5 mô hình chính. Đầu tiên, để có con giống tốt, chất lượng cao, Thủy sản Minh Phú đề xuất xây dựng khu sản tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ thích nghi, kháng bệnh, lớn nhanh; khu sản xuất tôm giống chất lượng cao; khu sản xuất tảo làm thức ăn cho tôm tại tỉnh Ninh Thuận.

Thứ 2 là khu phức hợp nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn: kết hợp công nghệ AI và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) để quản lý nuôi tôm.

Thứ ba là khu phức hợp nuôi tôm sú quảng canh tuần hoàn vừa sức tải của môi trường. Thứ tư là khu phức hợp nuôi tôm sú rừng đước hữu cơ, tuần hoàn vừa sức tải của môi trường. Cuối cùng là khu phức hợp nuôi tôm sú – lúa hữu cơ (2 vụ tôm sú và 1 vụ lúa chung với tôm càng) tuần hoàn vừa sức tải của môi trường. Qua đó tạo ra sản phẩm tôm sú hữu cơ và tôm càng hữu cơ chất lượng cao và luân canh với trồng giống lúa hữu cơ.

Đọc tiếp