Tín dụng quay đầu giảm, NHNN quyết tâm tháo nút thắt tiếp cận vốn

TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
22:33 - 27/10/2023
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: NHNN
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: NHNN
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo từ NHNN, đến cuối tháng 9/2023, tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến ngày 24/10, tăng trưởng tín dụng lại quay đầu giảm xuống mức 6,81%.

Chiều 27/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, bối cảnh kinh tế năm 2023 là vô cùng khó khăn cả trong và ngoài nước.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều giải pháp để tháo gỡ. Kết quả cho tới hết tháng 9, kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tựu cơ bản: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cải thiện, Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng cao.

Đối với hệ thống ngân hàng, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Theo Thống đốc, thống kê cho thấy đối với các khoản cho vay mới đã giảm 2,2%/năm so với cuối năm ngoái.

Trước những yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, NHNN cũng đã chỉ đạo có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này, gói tín dụng cho lĩnh vực thuỷ sản 15.000 tỷ đồng, từ chính nguồn lực của các nhà băng.

Đồng thời, NHNN cũng triển khai nhiều chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, NHNN là đầu mối tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo nghị định 31, phối hợp với các bộ ngành để khảo sát, khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chính phủ trong quá trình triển khai.

Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, Thống đốc cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm.

Trong thời gian tới, bối cảnh còn rất nhiều, thách thức, trong khi đó, nhiệm vụ của ngành ngân hàng vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống vừa phải tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, người dân, doanh nghiệp…Do vậy, theo Thống đốc việc xác định giải pháp hỗ trợ nền kinh tế như thế nào là rất quan trọng.

Trên tinh thần đó, NHNN tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023.

"Phải chuẩn bị tâm thế, hết khó khăn này sẽ tới khó khăn khác, thách thức này tới thách thức khác, khó có thể đoán định khi nào sẽ "bình yên". NHNN không chủ quan với an toàn của hệ thống ngân hàng, tiếp tục góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", Thống đốc chia sẻ về định hướng điều hành chính sách.

3 lý do tăng trưởng tín dụng thấp

Theo NHNN, đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn; tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, tại báo cáo trước đó của NHNN, tính cuối tháng 9/2023, tín dụng đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Như vậy, chỉ qua khoảng 25 ngày, tín dụng đã quay đầu giảm 0,11%.

Tại hội nghị, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng.

"Xét về cân đối cung - cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn. Nhưng tăng trưởng tín dụng chưa cao không phải từ phía cung tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác", ông Quang nêu rõ.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm.

Thứ nhất là trong bối cảnh khó khăn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.

Thứ hai là một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba là sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các tổ chức tín dụng đánh giá cao hơn.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)

Đã có ngân hàng xin nới room tín dụng

Tại Hội nghị, ông Phạm Chí Quang cũng cho biết, mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống còn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nhiều tổ chức tín dụng tăng trưởng âm hoặc thấp, dư địa tăng trưởng còn nhiều, nhưng vẫn có một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị NHNN tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2023.

Do đó, NHNN đang khẩn trương rà soát để có phương án điều hành tín dụng những tháng cuối năm 2023 hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Định hướng trong thời gian tới, ông Quang cho biết, NHNN sẽ điều hành tín dụng linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và không chủ quan với lạm phát, đồng thời điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, NHNN đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.