Tình hình Ukraine ‘nhuộm đỏ’ VN-Index, chỉ còn dầu khí vững vàng trước tâm bão

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
16:15 - 22/02/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Những diễn biến mới xung quanh căng thẳng Nga-Ukraine đã tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên nhóm dầu khí lại hưởng lợi khi giá dầu quay đầu tăng giá.

Tối 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine độc lập và đưa quân đội tiến vào hai vùng đất này, làm gia tăng căng thẳng địa chính trị. Thông tin ngay lập tức làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu. Các chỉ số tương lai của phố Wall giảm mạnh, chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ, trong khi giá vàng và dầu thô lập đỉnh.

Thông tin tiêu cực từ thế giới cũng ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngay đầu phiên giao dịch sáng nay (22/2), VN-Index giảm hơn 15 điểm, thủng mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên không xảy ra hiện tượng bán tháo. Dù số mã giảm có thời điểm lên tới hơn 350 nhưng sức ép chủ yếu đến từ nhóm bluechip, các mã còn lại chỉ giảm với biên độ nhẹ. Điều này giúp lực mua quay trở lại, kéo VN-Index về lại vùng tâm lý quan trọng.

Kết phiên, điểm số của sàn HoSE về 1503.47, giảm 7 điểm so với hôm qua. HNX-Index và UPCoM cũng giảm lần lượt 6,5 điểm và 0,6 điểm. Tổng giá trị giao dịch tăng vọt lên 33.390 tỷ đồng. Thanh khoản cao trong khi điểm số các sàn giảm không nhiều cho thấy tiền rút ra nhiều nhưng tiền đổ vào cũng không ít.

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên cả 3 sàn.

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên cả 3 sàn.

Trong nhóm blueschip, VIC lại trở thành “tội đồ” sau phiên khởi sắc khi đóng góp 1,5 điểm cho chiều giảm của VN-Index, tương ứng mức giảm 1,9%. Các mã khác cũng giảm nhiều là POW -3,3%, VJC, SSI -2,2%, MSN -1,7%, BVH -1,6%, PDR -1,5%... Chiều tăng có ACB, BID, CTG, GAS, MBB, MWG, PLX, PNJ, STB, TPB và VRE. Trong đó MBB tăng 5,4%, PLX và PNJ cũng tăng hơn 3%, MWG +2,8%...

Nhìn chung hôm nay, hầu hết các nhóm đều giao dịch trong tình trạng đỏ nhiều hơn xanh. Ngân hàng đỡ bi đát hơn khi vớt vát được trong phiên chiều. Kết phiên, số mã tăng giá và đứng giá có phần nhỉnh hơn số mã giảm. Chiều tăng ngoài MBB thì có NVB cũng tăng hơn 3%, BID, BVB tăng gần 2%, PGB, STB, TPB tăng 1,5%... Các mã ở chiều giảm là ABB, BAB, EIB, HDB, SHB, SSB, TCB, VBB, VCB, VIB, VPB nhưng mức giảm không nhiều, chỉ trên dưới 1%.

Nhóm chứng khoán chỉ còn 5 mã giữ được sắc xanh là CSI, EVF, SBS, VDS và VFS. EVF tăng mạnh nhất với 4,8 %. Các mã giảm còn lại có VIX “bốc hơi” nhiều nhất (-4,8%). VIG, TVC, FIT, EVS, BSI, ART cũng giảm hơn 3%.

Nhóm xây dựng và bất động sản vẫn ghi nhận 2 mã tăng trần là BVL và TGG, 52 mã tăng giá và 125 mã đứng giá. Như vậy số mã giảm áp đảo hơn với 153, trong đó có 7 mã nằm sàn là DIG, CEO, DRG, VRC, LDG, NHA, LUT. Giảm mạnh còn có L14 -9,3%, SCR -6,4%, VC7 -6%, SGR -5,9%, ITA -4%, TCH -3,1%, VCG -3%, KBC -2,9%, NLG -2,4%...

Hôm nay, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị mua 1.179 tỷ đồng và tổng giá trị bán 1.289 tỷ đồng.

Các mã được mua ròng nhiều nhất là DXG (78,6 tỷ đồng), VHM (59,7 tỷ đồng), GMD (52 tỷ đồng), HPG (49,7 tỷ đồng), KDH (27,7 tỷ đồng).

Ngược lại, các mã bị bán ròng nhiều là PLX (63,7 tỷ đồng), NVL (36 tỷ đồng), FRT (30,1 tỷ đồng), DGC (23,1 tỷ đồng), VCB (22,7 tỷ đồng), FLC (14 tỷ đồng)…

Nhóm vận tải cũng tương tự khi có 4 mã tăng trần, 28 mã tăng giá nhưng 46 mã giảm, 2 mã giảm sàn. Các mã lớn ACV, VJC, HVN, MVN, PHP, SCS, SGP, VTP… đều ở chiều giảm. Trong khi đó GMD, TMS, PVT, TSJ, CDN… ở chiều tăng.

Nhóm thép hôm nay không có nổi một điểm sáng khi tất cả đều chuyển sắc đỏ. HSG giảm sâu nhất với tỷ lệ -2,6%. NKG cũng mất đi 1,2% giá trị, POM -1,7%, HPG -0,5%...

Hai “họ” tâm điểm hôm qua là FLC và Louis hôm nay có sự trái ngược. Trong khi “họ FLC” không tránh được tác động chung của thị trường khi chỉ còn HAI ở chiều tăng (+1%) thì “họ Louis” vẫn băng băng thẳng tiến. SMT, AGM, TGG tiếp tục tăng trần. BII và VKC cũng tăng hơn 4%.

Trước tâm bão từ căng thẳng địa chính trị, một nhóm ngành vẫn “vững tay lái”. Đó chính là dầu khí. Tất cả các mã đều đổ xanh với PVC +6,6%, TOS +5,5%, PVS +3,8%, PLX +3,5%, OIL +3,3%, BSR +1,5%... Đà tăng của nhóm cổ phiếu này theo giá dầu thế giới. Theo hợp đồng tương lai dầu thô WTI sau thông tin căng thẳng Nga-Ukraine, giá dầu đã bật tăng mạnh hơn 3% và tiến ngày một sát tới cột mốc 100 USD/thùng.

Theo Reuters, Mỹ và các nước châu Âu đe doạ áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga nếu nước này có hành động vũ trang với Ukraine. Nếu điều này xảy ra sẽ gây tác động tới nguồn cung các hàng hóa chủ chốt tại Nga. Hiện tại, giá nickel và nhôm đã lên mức cao nhất trong nhiều năm vì nỗi lo sợ gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, đồng, vàng, thép, kim cương, phân bón, lúa mì cũng là những mặt hàng mà Nga chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn trên thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp