TP HCM đề nghị doanh nghiệp thông tin kế hoạch thưởng Tết cho lao động

LAO ĐỘNG Tp hcm
08:10 - 29/11/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước tình hình nhiều lao động phía nam bị mất việc, cắt giảm giờ làm, TP HCM vừa yêu cầu doanh nghiệp báo cáo kế hoạch thưởng tết 2023 trước ngày 25/12.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP HCM vừa gửi công văn đề nghị các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn báo cáo tình hình lao động, tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng Tết năm 2023.

Theo đó, doanh nghiệp cần bảo đảm thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch trước 25/12, không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng.

Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, cần trao đổi với tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở và báo cáo cho Phòng LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động TP Thủ Đức và các quận, huyện, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM để phối hợp, có kế hoạch thưởng Tết và hỗ trợ người lao động.

Nhiều doanh nghiệp phía nam cắt giảm lao động

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ diễn ra ở 28 địa phương với 485 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, do bị giảm, mất đơn hàng. Riêng khu vực phía Nam chiếm tới gần 62% doanh nghiệp và 87% lao động.

Tại TP HCM tính đến hết tháng 10/2022, đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động (của 26 doanh nghiệp này), chiếm gần 1/5 lao động. Một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm. Trong tháng 10, thành phố đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 11.000 người.

Tại Bình Dương, theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, qua khảo sát các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa thì đa số các doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 300 lao động hiện tại vẫn ổn định, không có tình trạng cắt giảm lao động.

Tại một số doanh nghiệp lớn trong các ngành gỗ, dệt may, da giày có tình trạng giảm đơn hàng và hàng hóa không xuất đi được dẫn đến các doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, giảm cả ngày làm việc thứ 7, hoạt động cầm chừng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với những lao động hết hạn hợp đồng, vì hiện tại đơn hàng cho năm 2023 doanh nghiệp vẫn chưa thể xác định là có hay không.

Tại Đồng Nai, có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động với số lượng lớn là các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ.

Tại An Giang, số lao động đã bị giảm trong vòng một tháng qua và số lao động dự kiến giảm trong 3 tháng tới tổng ước tính là hơn 4.000 lao động. Số lao động này họ đều là lao động phổ thông và chủ yếu thuộc ngành dệt may- da giày.

Như vậy, các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ giảm đơn hàng nhiều nhất, từ 30 - 50%; tiếp đến là điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch...

Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 9/11, tổng cộng có 570.000 công nhân bị giảm giờ làm; 34.500 người bị chấm dứt hợp đồng; hơn 31.000 người nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng. Các hình thức phổ biến là cắt giảm giờ, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc và nghỉ không hưởng lương.

Tin liên quan

Đọc tiếp