Theo thiết kế, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có công suất gấp 3 lần cảng Cát Lái. |
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 23/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đang mở ra không gian và triển vọng phát triển cho vùng Đông Nam bộ nhiều lợi thế.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh đến giải pháp tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng có ý nghĩa đột phát. Hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối vùng và cơ chế liên kết vùng, chính sách tạo động lực, liên kết phát triển là 2 điểm nghẽn chính, làm hạn chế sự phát triển của vùng Đông Nam bộ.
Nghị quyết 24 đã chỉ ra những điểm nghẽn và định hướng tháo gỡ các điểm nghẽn này rất đầy đủ và đồng bộ. Dù vậy, vấn đề triển khai như thế nào để nghị quyết đi vào cuộc sống, ông Mãi cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về Đảng bộ, chính quyền địa phương trong vùng Đông Nam bộ. Do đó, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị, cần có sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các địa phương trong vùng và các bộ ngành Trung ương trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Nghị quyết 24 trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ.
Trước mắt là sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương và quy hoạch vùng. Cùng với đó triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng như đường vành đai 3, 4; các đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài; TP HCM - Chơn Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu; Đồng Nai - Lâm Đồng. Mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành; nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối vùng đô thị TP HCM.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm mở rộng đường cao tốc TP HCM đến sân bay Long Thành. Đây là dự án huyết mạch để giải quyết bài toán giao thông cho sân bay Long Thành.
Bên cạnh các công trình giao thông, Chủ tịch UBND TP HCM thông tin, thành phố đang phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” theo tinh thần Nghị quyết 24.
“Việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nhằm khai thác cao nhất vai trò của cụm cảng biển số 4, khai thác lợi thế luồng nước sâu ở cửa biển Cần Giờ. Đây là dự án mang tính bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, không mang tính cạnh tranh làm suy yếu hệ thống cảng biển hiện có. Dự án cơ bản sử dụng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, mang tính khả thi cao do nhà đầu tư là một trong những hãng vận tải tàu biển hàng đầu thế giới”
Đồng thời, lãnh đạo UBND TP HCM bày tỏ sự tin tưởng, triển khai được dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI.
Trước đó, UBND TP HCM có văn bản gửi Thủ tướng về việc thành phố cùng Bộ Giao thông Vận tải đã nghe Tập đoàn MSC/TIL, hãng tàu container lớn thứ hai thế giới báo cáo về đề xuất dự án đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, TP HCM.
UBND TP HCM đã đề xuất xây cảng trung chuyển quốc tế công suất gấp gần 3 lần cảng Cát Lái, tổng đầu tư 6 tỷ USD được đề xuất xây dựng ở huyện Cần Giờ để tạo đột phá kinh tế biển TP HCM.
Dự án có quy mô hơn 7km cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEUs), công suất thông qua khoảng 10-15 triệu TEUs. Khu cảng trung chuyển dự kiến chia làm 7 giai đoạn triển khai. Giai đoạn 1 làm vào đầu năm 2024, khai thác 4 năm sau đó. Giai đoạn cuối sẽ được hoàn thành năm 2040.
Theo UBND TP HCM, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, Phi, Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển thành phố và cả nước.
Để hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư dự án, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan đánh giá lợi thế, khả năng đáp ứng các điều kiện... hình thành khu cảng. Đồng thời, kiến nghị Trung ương xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng biển khu bến Cần Giờ.