Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Nguồn: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. |
Cũng tại kết luận về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND TP HCM, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của Ban Thường vụ Thành ủy;
Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh đề án, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, có cơ sở thực tiễn và khoa học, có tính thuyết phục cao, phù hợp quy hoạch, định hướng của Trung ương và thành phố; Phát huy hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, song song với tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ sau cảng.
Bên cạnh đó, lưu ý bổ sung các căn cứ, yếu tố lịch sử, dự báo khả năng có thể xảy ra và chủ động có phương án hạn chế tối đa các tác động tiêu cực (môi trường sinh thái, đời sống dân cư...) khi triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, UBND TP HCM sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy trình, quy định.
Quá trình triển khai thực hiện, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương. Nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các vấn đề vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được xây tại khu vực Cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM với tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km.
Đây là khu vực nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài ra, khu vực này không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước của thành phố.
Tổng diện tích xây dựng cảng khoảng 571 ha, trong đó hơn 100 ha là vùng nước hoạt động cảng. Khai thác tàu có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn (356 Teu).
Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027).
Theo đề án nghiên cứu, khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, "siêu cảng" tỷ đô này sẽ đóng góp cho ngân sách từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm thông qua thu thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng, thuế thu nhập doanh nghiệp, các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng, phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục ngàn việc làm cho lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...