Trú ẩn giữa lạm phát: vàng hay "vàng kỹ thuật số"?

TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
19:36 - 13/11/2021
Trú ẩn giữa lạm phát: vàng hay "vàng kỹ thuật số"?
0:00 / 0:00
0:00
Đà tăng giá chóng mặt của các đồng tiền điện tử như bitcoin, ether trong thời gian qua dường như đang làm lu mờ vàng với tư cách tài sản trú ẩn an toàn, hàng rào bảo vệ giá trị trước lạm phát. 

Trong suốt vài thập kỷ qua, nếu ai đó có ý tưởng làm giàu trong thời điểm lạm phát, thì đó chính là những “tín đồ” của kim loại vàng. Ở những thời điểm khủng hoảng kinh tế và nguy cơ lạm phát lên cao đe dọa xói mòn đà tăng trưởng, các tín đồ của vàng luôn giữ niềm tin to lớn ở vàng như một hàng rào chống lạm phát.

Kể từ ngày 15/8/1971, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố kết thúc chế độ bản vị vàng, kim loại quý này không đơn thuần là một tài sản, mà nó trở thành một biểu tượng cho cuộc “nổi dậy” của những nhà đầu tư muốn chống lại quyền lực tối cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trên thị trường tài chính, rằng ngay cả khi hệ thống tài chính do Fed điều hướng sụp đổ và giá trị đồng USD tụt dốc không phanh thì người nắm giữ vàng sẽ là người chiến thắng cuối cùng.

Trong lịch sử, những cú sốc lạm phát như hồi thập niên 70 đã đẩy giá vàng lên kỷ lục, củng cố vị thế của nó trong mắt các nhà đầu tư phố Wall và công chúng như một tài sản trú ẩn an toàn khi mọi tài sản khác, nhất là đồng tiền pháp định mất giá. Ít nhất trong nửa thế kỷ qua, vàng đã trở thành sự lựa chọn số 1 với những nhà đầu tư nghi ngờ giá trị của đồng USD.

Trong lịch sử, ở nhiều thời điểm, lạm phát có mối tương quan chặt chẽ với giá vàng, chẳng hạn trong và sau khủng hoảng tài chính 2008-2009 (Ảnh: Fed St.Louis)

Trong lịch sử, ở nhiều thời điểm, lạm phát có mối tương quan chặt chẽ với giá vàng, chẳng hạn trong và sau khủng hoảng tài chính 2008-2009 (Ảnh: Fed St.Louis)

Nhưng đà tăng giá chóng mặt của các đồng tiền điện tử như bitcoin, ether trong thời gian qua đang làm "lu mờ" vàng với tư cách tài sản trú ẩn an toàn, hàng rào bảo vệ giá trị trước lạm phát.

Lạm phát tăng kỷ lục, vàng thế giới chỉ nhích nhẹ

Giữa tuần này, hôm 10/11, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 6,2%, mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm khi hàng loạt mặt hàng từ khí đốt, thực phẩm cho đến giá ô tô cũ, giá thuê nhà đều tăng đột biến.

Trái với kỳ vọng thị trường vàng nóng sốt, giá kim loại này chỉ tăng nhẹ 1% lên 1.848 USD/oz vào cuối phiên giao dịch 10/11 trước khi tăng lên 1.865 USD/oz vào chốt phiên giao dịch 12/11 và trở thành một trong những tài sản hoạt động kém hiệu quả nhất so với các tài sản chính khác trên phố Wall trong tuần qua. Thậm chí, giá vàng tại thời điểm này còn kém xa mức đỉnh hơn 2.000 USD mà nó ghi nhận vào mùa hè năm ngoái.

Giá vàng giao dịch ở 1.865,20 USD/oz vào thời điểm chốt phiên giao dịch 12/11 trên sàn New York (Ảnh: Kitco)

Giá vàng giao dịch ở 1.865,20 USD/oz vào thời điểm chốt phiên giao dịch 12/11 trên sàn New York (Ảnh: Kitco)

Để so sánh: trong khi những nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán đã chứng kiến chỉ số S&P 500 tăng 24% từ đầu năm đến nay, thì những nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ đầu tư vàng do “tín đồ” vàng nổi tiếng Peter Schiff điều hành lại chứng kiến mức giảm 11%.

Điều này nghĩa là khi lạm phát vượt 6%, những “tín đồ” vàng không phải kẻ chiến thắng như họ mong đợi đã lâu, bởi thực tế thị trường tài chính giờ đây không đơn giản là sự lặp lại những kịch bản đã cũ.

Chỉ mới xuất hiện trong khoảng hơn một thập kỷ qua nhưng các đồng tiền điện tử như bitcoin đang nổi lên như một hiện tượng thú vị ở thời điểm lạm phát tại Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung lên mức kỷ lục. Với những nhà đầu tư theo chủ nghĩa tự do, bitcoin - và tiền điện tử nói chung - được ưa chuộng vì giá trị của nó nằm ngoài sự kiểm soát của các chính phủ và các ngân hàng Trung ương.

Nhiều người mệnh danh bitcoin là “vàng kỹ thuật số”, bởi nhiều thuộc tính tương tự như vàng dù không cần đến các hoạt động khai thác vật lý kim loại vàng hay sự gia công của thợ kim hoàn.

Tương tự như nguồn cung vàng bị giới hạn bởi sản lượng kim loại có thể được khai thác trong một năm nhất định, chỉ có 21 triệu bitcoin được tích hợp trong mã nguồn của nó và khoảng 18,6 triệu bitcoin đã được lưu hành tính đến thời điểm hiện tại. Sự khan hiếm là một trong những nguyên nhân tạo nên giá trị của bitcoin. Một phần nguyên nhân khác đến từ động lực phát triển và thay đổi của thị trường tài chính. Giáo sư Campbell Harvey từ Đại học Duke, tác giả của công trình nghiên cứu mối quan hệ bền vững giữa vàng và lạm phát ngắn hạn đã nhận định: “Một lý do (khiến vàng mất một phần sức hút) là do ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến một kênh đầu tư thay thế vàng trước lạm phát, và họ cho rằng đó là tiền điện tử”.

Ở thời điểm hôm 10/11, ngay sau khi Mỹ công bố chỉ số CPI cao nhất trong 3 thập kỷ, giá bitcoin đã tăng điên cuồng, có thời điểm lên 68.789 USD, sát ngưỡng 70.000 USD. Cùng với Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn thứ hai hành tinh là ether cũng lập đỉnh kỷ lục trong phiên khi đạt mức giá 4.853 USD.

Giá bitcoin lên 68.789 USD trong phiên giao dịch 10/11 (Ảnh: CoinMarketCap)

Giá bitcoin lên 68.789 USD trong phiên giao dịch 10/11 (Ảnh: CoinMarketCap)

Trong khi giá ether cũng lập đỉnh 4.853 USD trong cùng phiên (Ảnh: CoinMarketCap)

Trong khi giá ether cũng lập đỉnh 4.853 USD trong cùng phiên (Ảnh: CoinMarketCap)

Đến thời điểm hiện tại, giá bitcoin đã điều chỉnh giảm gần 10% so với mức đỉnh. Vào 16 giờ 30 phút ngày 13/11 (giờ Việt Nam), đồng tiền điện tử phổ biến nhất hành tinh hiện giao dịch ở 63.680 USD. Trong khi đó, giá Ether cũng điều chỉnh về 4.603 USD, tức giảm khoảng 6% so với mức đỉnh thời đại. Tuy nhiên, giá bitcoin vẫn tăng 119% từ đầu năm đến nay trong khi giá ether tăng 525% trong cùng kỳ.

Vàng hay “vàng kỹ thuật số”?

Nhận định trên CNBC về việc phải chăng các nhà đầu tư đang lựa chọn bitcoin và các đồng tiền điện tử như một hàng rào bảo vệ trước lạm phát thay thế cho vàng, chiến lược gia trưởng George Milling-Stanley tại State Street Global Advisor trực thuộc quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares (GLD) cho rằng: “Tôi nghĩ cả hai loại tài sản này có thể cùng tồn tại song song trên thị trường vì chúng theo đuổi những chức năng khác nhau”.

“Trong lịch sử, vàng mang đến cho các nhà đầu tư hai cam kết trong dài hạn - tôi nhấn mạnh là trong dài hạn: một là cải thiện lợi nhuận tài sản, hai là giúp hạn chế sự biến động tài sản”, ông Milling-Stanley nói.

Trong khi vàng có khả năng làm tăng lợi nhuận trong dài hạn thì tiền điện tử, với tính biến động lớn hơn, có khả năng tạo ra lợi nhuận hoặc thua lỗ tùy vào sự dao động ngắn hạn của chúng. Do đó, ông Milling-Stanley cho rằng khi lạm phát tiếp tục kéo dài, sức hấp dẫn của vàng có thể tăng lên tạo đà cho giá vàng trong dài hạn.

Ảnh tác giả

“Vàng là kim loại bảo tồn sức mua rất tốt trong các thời kỳ lạm phát cao liên tục, tức những tháng liên tiếp lạm phát trên 5% (tính theo cơ sở năm). Trong giai đoạn cuối cùng xuất hiện hiện tượng này, tức những năm 70 của thế kỷ XX, vàng đã tăng giá khoảng 16% mỗi năm, tương đương lợi nhuận thực tế khoảng 11%. Hiện nay chúng ta chứng kiến 3-4 tháng liên tiếp lạm phát trên 5% và Fed tuyên bố với thị trường rằng hiện tượng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời. Do đó, tôi không ngạc nhiên khi vàng chưa phản ứng với con số lạm phát này”, ông Milling-Stanley

Còn giáo sư Campbell Harvey thì cho rằng về mặt lý thuyết, bitcoin mới chỉ xuất hiện hơn một thập kỷ, chưa từng trải qua bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính lớn nào và do đó chưa chứng minh được đặc tính duy trì giá trị của nó trong những thời điểm khủng hoảng, tiền tệ trượt giá. Trong khi đó, vàng không chỉ được coi là một phần công cụ điều tiết thị trường tài chính của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu mà còn là một phần tài sản dự trữ quan trọng của nhiều tổ chức tài chính, tổ chức chính phủ, quỹ hưu trí…

Ảnh tác giả

“Giá bitcoin không chỉ bị tác động bởi quy luật cung cầu mà còn ảnh hưởng lớn bởi yếu tố đầu cơ. Đó là lý do vì sao đồng bitcoin biến động gấp nhiều lần thị trường chứng khoán", Giáo sư Campbell Harvey

Đồng quan điểm về tính chất đầu cơ của thị trường tiền điện tử, CEO của quỹ ETF vàng GraniteShares, ông Will Rhind nhận định bitcoin và các đồng tiền điện tử nói chung có thể đang hút một phần dòng vốn khỏi vàng, nhưng còn quá sớm để nói rằng nguyên nhân là do chúng được xem như hàng rào bảo vệ tài sản trước lạm phát.

Ảnh tác giả

“Lý do công chúng mua bitcoin và tiền điện tử vào lúc này là do yếu tố đầu cơ, có ít yếu tố phòng thủ trước lạm phát. Còn lý do công chúng mua vàng vào thời điểm này mang yếu tố phòng thủ nhiều hơn, nó xoay quanh câu chuyện bảo toàn tài sản và sức mua trong dài hạn”, theo ông Will Rhind.

Vàng trong nước tăng mạnh

Tại thị trường trong nước, giá vàng ngày 13/11 tiếp tục chạm ngưỡng 60 triệu đồng/ lượng.

Cụ thể, trước giờ mở phiên giao dịch sáng 13/11, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 60 triệu đồng - 60,72 triệu đồng (mua vào - bán ra), giá vàng SJC tại TP.HCM giao dịch ở mức 60 triệu đồng - 60,7 triệu đồng (mua vào - bán ra). Từ đầu tuần, giá vàng miếng SJC đã tăng gần 2 triệu đồng. Trong đó, chỉ trong 3 phiên 10-12/11, giá vàng SJC trong nước đã tăng 1,3 triệu đồng.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định sau dịch Covid-19, giá vàng thế giới có thể vượt 3.800 USD

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định sau dịch Covid-19, giá vàng thế giới có thể vượt 3.800 USD

Lý giải về hiện tượng tăng nóng của giá vàng trong nước, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia nhận định dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng đầu năm mới tăng 1,81% nhưng xuất hiện nhiều quan ngại áp lực lạm phát sẽ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cũng như cả năm 2022 do ảnh hưởng của giá hàng hóa, nguyên nhiên liệu trên thế giới cũng như hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Đây là một yếu tố tác động khiến giá vàng trong nước tăng cao.

Ông Nghĩa nhận định trong trung hạn, sau đại dịch Covid-19, giá vàng thế giới có thể vượt ngưỡng 3.800 USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp