VCBS dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 cao nhất 2,44%, lạm phát dưới 3%

KINH TẾ VĨ MÔ Việt nAM
10:10 - 13/11/2021
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Chứng khoán VCBS kỳ vọng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 2,1%-2,44%, VND sẽ mạnh lên trong những tháng cuối năm.

VCBS vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô, trong đó dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 2,1%-2,44%.

Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 2,1-2,44%

VCBS dự báo tăng trưởng GDP quý 4 đạt 3,5%-4,5% (Nguồn: VCBS)

VCBS dự báo tăng trưởng GDP quý 4 đạt 3,5%-4,5% (Nguồn: VCBS)

Trong bối cảnh chiến lược chống dịch của đất nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, phục hồi sản xuất, VCBS kỳ vọng nền kinh tế sẽ từng bước phục hồi kể từ quý 4.

Cụ thể, với việc độ phủ vaccine tiếp tục tăng, VCBS dự báo tăng trưởng GDP quý 4 đạt khoảng 3,5%-4,5%, tương ứng nâng tăng trưởng GDP cả năm 2021 lên khoảng 2,1%-2,44%.

Dự báo dựa trên hàng loạt tín hiệu sáng của nền kinh tế trong tháng 10 và tiềm năng kinh tế trong giai đoạn tới, cụ thể như sau:

Nhập khẩu tăng cao do kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng mạnh

(Nguồn: VCBS)

(Nguồn: VCBS)

Nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng mạnh cho thấy tiềm năng tăng trưởng hoạt động sản xuất và khả năng Việt Nam hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu thế giới sau đại dịch, dù rằng tốc độ hồi phục dự kiến sự phân hoá giữa các ngành nghề và khu vực.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng đạt 537,31 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 16,6%, nhập khẩu tăng 28,2%, riêng kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân thương mại hàng hoá xuất siêu trở lại 160 triệu USD. Trong đó, riêng tháng 10 xuất siêu 2,85 tỷ USD.

Sản xuất và tiêu dùng dần phục hồi

Về phía sản xuất, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng 9 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dữ liệu của IHS Markit, tín hiệu tích cực đến từ việc chỉ số quản lý thu mua (PMI) đã tăng trở lại ở mức mở rộng (52,1 điểm), dù rằng doanh nghiệp được dự báo vẫn sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề dòng tiền và thiếu hụt lao động.

(Nguồn: VCBS)

(Nguồn: VCBS)

Về phía tiêu dùng, VCBS đánh giá nhu cầu tiêu dùng bước đầu hồi phục. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 tăng 18,1% so với tháng 9 khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ 10 tháng năm 2021 vẫn ghi nhận giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

(Nguồn: VCBS)

(Nguồn: VCBS)

Vốn FDI tăng trở lại

FDI đăng ký 10 tháng đã tăng trưởng trở lại, đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính 10 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 15,15 tỷ USD vốn FDI, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Chính sách tài khóa - tiền tệ tiếp tục hỗ trợ đà phục hồi

VCBS đánh giá sự kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế là yếu tố quan trọng để duy trì động lực tăng trưởng trong quá trình thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các biện pháp giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng được xem là sự hỗ trợ kịp thời, trong khi các gói hỗ trợ an sinh xã hội được kỳ vọng sẽ cung cấp đủ hỗ trợ để lao động trở lại làm việc sau dịch.

Trong năm tới, các nhà phân tích VCBS kỳ vọng một gói kích thích với quy mô hợp lý 2%-2,5% GDP sẽ giúp kích thích sự hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế.

Đầu tư công phát huy vai trò định hướng

Trước đó, Quốc hội đã thông qua kế hoạch giải ngân đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong kỳ họp tháng 7 với số lượng dự án giảm một nửa nhưng mức vốn phân bổ cho từng dự án tăng, định hướng tăng cường vai trò của đầu tư công nhằm dẫn dắt đầu tư tư theo hướng tập trung có trọng điểm vào một số dự án cơ sở hạ tầng với các biện pháp triển khai quyết liệt, nhanh chóng. Cùng với đó là sự chú trọng các dự án liên quan đến dịch vụ cảng logistic cũng như đầu tư vào ngành công nghệ cao.

Báo cáo của VCBS chỉ ra rằng xu hướng dịch chuyển dòng vốn đã bắt đầu cho thấy tác động tích cực lên các ngành nghề mang tính hỗ trợ cho việc chuyển dịch sản xuất bền vững, công nghiệp hóa, hiện đại hóa như năng lượng, bất động sản công nghiệp…

Dự báo lạm phát cả năm dưới 3%

(Nguồn: VCBS)

(Nguồn: VCBS)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng 9 và tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Nguyên nhân CPI giảm trong tháng qua đến từ việc các địa phương nới lỏng giãn cách giúp phục hồi chuỗi lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Bình quân 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát cơ bản tháng 10/2021 giảm 0,02% so với tháng 9 nhưng tăng 0,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.

Các chuyên gia VCBS kỳ vọng trong tháng tới, khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục, trong xu hướng tăng của giá xăng và giá thép, lạm phát tháng 11 có thể tăng 0,4- 0,5% so với tháng 10, tương ứng mức tăng 2,18% - 2,28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo cả năm 2021, lạm phát tăng dưới 3%.

VND tiếp tục mạnh lên trong những tháng cuối năm

(Nguồn: VCBS)

(Nguồn: VCBS)

Theo dõi của VCBS cho thấy trong 10 tháng đầu năm, VND đã mạnh lên khoảng 1,9% so với USD. Những diễn biến dòng tiền ngoại tệ hiện nay dự kiến sẽ tiếp tục nâng dự trữ ngoại hối quốc gia cũng như nền tảng và nguồn lực để NHNN tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá chủ động và linh hoạt.

Tương tự các báo cáo vĩ mô trước đó, VCBS cho rằng xu hướng mạnh lên của VND so với USD tiếp tục được duy trì trong phần còn lại của năm 2021.

Dự báo mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì

(Nguồn: VCBS)

(Nguồn: VCBS)

Trên thế giới, các thảo luận về thời điểm tiến hành trung hoà chính sách tiền tệ vẫn đang tiếp diễn khi nhiều nền kinh tế lớn ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại do các rào cản đến từ thực tế mặt bằng giá cả tăng. Nhìn chung, VCBS duy trì quan điểm quá trình trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng cần được tiến hành chậm rãi trong bối cảnh sự hồi phục kinh tế sau dịch ở nhiều quốc gia vẫn còn khá mong manh.

Tại Việt Nam, trong tháng 10, lãi suất huy động hầu như không biến động. VCBS cho rằng thông điệp ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong giai đoạn này vẫn đang thể hiện sự nhất quán: sử dụng tối đa nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp và toàn nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Theo đó, các ngân hàng thương mại vẫn đang đồng hành cùng doanh nghiệp khi tiếp tục triển khai các chương trình giảm lãi suất hỗ trợ.

Trên bình diện vĩ mô, thị trường ngoại hối thuận lợi với mức lạm phát được kiểm soát tốt là cơ sở quan trọng để NHNN tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian tới, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh đại dịch tác động phức tạp lên hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc tiếp