Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, không thể kéo dài tình trạng mù mờ

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
19:43 - 05/11/2021
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, không thể kéo dài tình trạng mù mờ
0:00 / 0:00
0:00
"Chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì sản phẩm nông nghiệp mới vươn ra được thị trường quốc tế và khẳng định được trách nhiệm với người tiêu dùng," Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam Nguyễn Thị Thành Thực nhận định. 

Truy xuất nguồn gốc đã và đang trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc trong xuất, nhập khẩu và quản lý chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp khi các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người.

Đây là nội dung được đề cập tới tại Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc - nâng tầm nông sản Việt”, do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 04/11.

Người tiêu dùng cần có sự minh bạch thông tin

Chia sẻ tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết, hiện nay có tình trạng người sản xuất còn nhiều điều chưa rõ về thị trường, nơi tiêu thụ, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, trong khi thị trường lại cũng không rõ về nơi sản xuất sản phẩm.

“Điều này dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ, làm chia cắt chuỗi cung ứng ngành hàng trong kết nối cung - cầu, người tiêu dùng cũng mất niềm tin vào chính hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống phân phối của chuỗi nông sản”, bà Thực nói.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, đối với sản xuất sản phẩm nông nghiệp, trước hết phải cần sự minh bạch: "Bởi chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì nông nghiệp mới vươn xa ra được thị trường quốc tế và khẳng định được trách nhiệm với người tiêu dùng."

Ảnh tác giả

“Minh bạch thông tin là yêu cầu bắt buộc. Muốn nâng cao giá trị sản phẩm cần phải chủ động minh bạch thông tin, tránh việc ‘mù mờ’. Mọi người thường nghĩ truy xuất nguồn gốc là bị thanh tra, kiểm tra, bị bắt buộc phải làm, nên đại bộ phận làm chống đối, nhưng đây là sai lầm nghiêm trọng”.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

Đưa ra lời khuyên về đẩy mạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bà Thực cho rằng: "Sản xuất hàng hóa của chúng ta càng ngày càng tiến tới không biên giới, do vậy không nên phân biệt truy xuất hàng hóa chỉ cần cho những sản phẩm xuất khẩu còn sản phẩm trong nước thì không."

Để làm tốt việc truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong thương mại, các doanh nghiệp cần tìm hiểu pháp luật, trước tiên là pháp luật nội địa. Tương tự như vậy, khi muốn xuất khẩu sang thị trường nào doanh nghiệp cũng cần nắm vững quy định nơi đó bằng việc nắm thông tin qua các chương trình xúc tiến.

Doanh nghiệp cũng cần xây dựng tiêu chuẩn cơ sở để tự đánh giá, tự điều chỉnh mình. Bà Thực đưa ra ví dụ về tiêu chuẩn ISO sẽ có một khung chung và việc của doanh nghiệp là ứng dụng tiêu chuẩn chung đó vào xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của mình theo những tiêu chuẩn thông lệ để hoàn thiện.

Là công ty đầu tiên đạt Coop 4 sao về cà phê đang được thị trường EU bảo hộ, Ông Lê Văn Vương, Giám đốc công ty TNHH và sản xuất thương mại Vương Thành Công đưa ra ý kiến ủng hộ đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc để nông sản Việt sớm có sự minh bạch về thông tin.

Chia sẻ về cách thức xây dựng vùng trồng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc nông sản sang thị trường Châu Âu, ông Vương nhận định quá trình này cần đảm bảo chỉ dẫn địa lý từ nông hộ bằng nhật ký nông hộ có hình ảnh kèm theo.

Ảnh tác giả

“Chúng tôi hy vọng rằng khi một ly cà phê của Việt Nam đi đến bất cứ nơi nào, khách hàng cũng sẽ biết được ly cà phê này được trồng ở đâu, chế biến như thế nào, công nghệ và đóng gói sản xuất ra sao. Đó là một trong những cách nâng cao chất lượng nông sản Việt”

Ông Lê Văn Vương,
Giám đốc công ty Vương Thành Công

Công ty cũng hướng dẫn bà con các nông hộ về thời gian bón phân, thời gian phun thuốc bảo vệ thực vật và sau khi thu hoạch phân ra từng lô hàng trong sơ chế, chế biến, bảo quản, gọi là hồ sơ của từng lô hàng. Khi khách hàng kiểm tra tem truy xuất nguồn gốc trên vỏ sản phẩm sẽ biết được tất cả thông tin trên.

Xây dựng Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc

Để thực hiện hiệu quả việc truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì triển khai Đề án 100, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia.

Cổng này sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước.

Ảnh tác giả

Tới đây, việc truy xuất nguồn gốc phải được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, khả thi hơn, đáp ứng được đầy đủ và không để bị động trước bất cứ đòi hỏi, tiêu chuẩn của thị trường nào

Ông Nguyễn Quốc Toản,
Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT

Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc được lập ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc.

Để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc, Cục Bảo vệ Thực vật cũng cho biết sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên để phục để phục vụ cho việc mở rộng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; triển khai chương trình về xây dựng mã số vùng trồng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhận định, truy xuất nguồn gốc được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Điều này giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

Đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác. Qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.