Từ 01/01/2022, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc cần đáp ứng những quy định nào?

XUẤT KHẨU TRUNG QUỐC
15:00 - 22/11/2021
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Tổng cục Hải quan
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Tổng cục Hải quan
0:00 / 0:00
0:00
Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ban hành “Quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc” với 10 điểm cần lưu ý có hiệu lực từ 01/01/2022.

Trung Quốc là một thị trường “sát sườn” với Việt Nam với gần 1,4 tỷ dân, có nhiều ưu thế về xuất khẩu hàng nông, thủy sản và duy trì mức tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính như trước. Đặc biệt, từ đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ ban hành nhiều quy định mới đối với việc nhập khẩu nông, thủy sản từ các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường này.

Mới đây, Tổng cục Hải quan (TCHQ) Trung Quốc đã ban hành Quyết định số 248 với nội dung “Quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc” (sau đây gọi tắt là Quyết định 248) có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc cần lưu ý nhiều hơn đến những quy định về thủ tục đăng ký và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo quy định mới này của Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, gia công, lưu trữ hàng thực phẩm xuất khẩu vào nội địa Trung Quốc cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) sản xuất, phải được TCHQ Trung Quốc thẩm tra, đánh giá thông qua.

Trong đó, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phải được các cơ quan chức năng của quốc gia (khu vực) sản xuất phê chuẩn và đang còn thời hạn và được quốc gia (khu vực) sản xuất cho phép sản xuất và xuất khẩu.

Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phải đảm bảo được thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc phù hợp với các quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của quốc gia của này.

Hàng thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc phải phù hợp với các quy định về kiểm dịch kiểm nghiệm đối với hàng hóa theo quy định của TCHQ và của cơ quan chức năng quốc gia (khu vực) sản xuất.

Về thủ tục đăng ký, các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hàng thực phẩm phải đăng ký với TCHQ Trung Quốc, sau khi được thẩm định, thông qua mới được phép xuất khẩu thực phẩm vào nội địa thị trường này.

Các doanh nghiệp có thể tiến hành đăng ký theo 02 hình thức: hoặc đăng ký theo danh sách đề xuất của cơ quan có thẩm quyền quốc gia (khu vực) sản xuất với TCHQ Trung Quốc hoặc tự đăng ký với TCHQ Trung Quốc.

Chuối Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh minh họa

Chuối Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh minh họa

Các sản phẩm được cơ quan có thẩm quyền quốc gia (khu vực) sản xuất đề xuất danh sách doanh nghiệp xuất khẩu với TCHQ Trung Quốc gồm: thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, lòng, sản phẩm thủy sản, sản phẩm từ sữa, tổ yến và sản phẩm chế biến từ tổ yến, sản phẩm từ ong, trứng và sản phẩm từ trứng, thực phẩm từ dầu ăn và nguyên liệu dầu ăn, bánh mỳ có nhân, thực phẩm từ ngũ cốc, bột chế biến từ ngành công nghiệp ngũ cốc và mạch nha, rau tươi và rau đã tách nước, đậu khô, gia vị, quả nut và hạt, quả khô, cà phê chưa rang, hạt cacao, thực phẩm đặc biệt và thực phẩm sức khỏe.

Ngoài các danh mục sản phẩm kể trên, các doanh nghiệp phải tự đăng ký hoặc ủy thác cho đại lý đăng ký với TCHQ Trung Quốc.

Mẫu đơn đăng ký đơn đăng ký của doanh nghiệp nước ngoài gồm các thông tin: tên doanh nghiệp, quốc gia (khu vực), địa chỉ xưởng sản xuất, người đại diện theo pháp luật, người liên hệ, phương thức liên hệ, số đăng ký do cơ quan có thẩm quyền quốc gia (khu vực) phê duyệt, loại thực phẩm đăng ký, loại hình sản xuất, năng lực sản xuất.

Đơn đăng ký dùng tiếng Trung hoặc tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác nếu có thỏa thuận riêng với Trung Quốc.

TCHQ Trung Quốc căn cứ vào kết quả thẩm tra, đánh giá, nếu đạt yêu cầu sẽ cho đăng ký và cấp mã số đăng ký tại Trung Quốc cho doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hàng thực phẩm. Thời hiệu đăng ký đối với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc là 5 năm.

Trong vòng từ 3 đến 6 tháng trước khi hết hạn thì doanh nghiệp có thể đăng ký gia hạn mã số đăng ký với TCHQ Trung Quốc.

TCHQ Trung Quốc sẽ loại khỏi danh sách doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc nếu như hết thời hạn hiệu lực của mã số đăng ký mà doanh nghiệp không xin gia hạn, hoặc do cơ quan có thẩm quyền quốc gia (khu vực) sở tại chủ động đề nghị loại bỏ, hay do hệ thống quản lý an toàn thực phẩm không còn hiệu lực tại nước sản xuất.

Tuy nhiên, khi đã được cấp mã số đăng ký, các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu vào nội địa Trung Quốc vẫn có nguy cơ bị xóa bỏ đăng ký và công bố công khai nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

Thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc khi nhập cảnh mà kiểm dịch, kiểm nghiệm phát hiện vấn đề an toàn thực phẩm, tình tiết nghiêm trọng hoặc phát sinh vấn đề lớn về an toàn thực phẩm có nguyên nhân xuất phát từ phía các doanh nghiệp.

Hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của doanh nghiệp tồn tại vấn đề nghiêm trọng, không phù hợp với yêu cầu an toàn thực phẩm xuất khẩu vào nội địa Trung Quốc.

Sau khi sửa chữa vẫn không phù hợp với yêu cầu đăng ký, doanh nghiệp cung cấp tài liệu giả mạo, che dấu hành vi vi phạm, không phối hợp với TCHQ Trung Quốc trong việc kiểm tra lại và điều tra vụ việc.

Doanh nghiệp cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, mua lại hoặc giả mạo mã số đăng ký cũng sẽ bị đưa vào danh sách vi phạm và không được chấp nhận.

Gần đây, tại Tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc ngày 11/11, TS. Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cũng đã cung cấp thông tin về những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc về nhập khẩu nông sản trong thời gian tới.

TS. Ngô Xuân Nam cho biết, trong 10 tháng của năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản.

Đặc biệt, phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc.

Đưa ra những định hướng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã yêu cầu các doanh nghiệp phải đặt mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt cao hơn việc bán hàng và cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể với kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam là nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ, chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ, mọi thứ đều ngắn hạn. Cần sự hiểu biết tổng quan hơn, dài hơi hơn không chỉ về nhu cầu mới của thị trường Trung Quốc mà còn phải hiểu cả thị trường, thế mạnh của những nước láng giềng đang xuất khẩu vào Trung Quốc như Thái Lan, Indonesia…", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp