Tư duy thiết kế chính sách cần phải được thay đổi

CHÍNH SÁCH Việt nAM
13:09 - 15/10/2021
Tư duy thiết kế chính sách cần phải được thay đổi
0:00 / 0:00
0:00
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu, việc xử lý hiện tượng môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp vẫn còn có sự loay hoay, lúng túng.

Sáng 15/10, tại sự kiện công bố kết quả nghiên cứu Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh cho các hộ kinh doanh (HKD) Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm điều tiết một môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.

Dịch COVID-19 là chất xúc tác thúc đẩy HKD tiến tới mô hình doanh nghiệp

TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, dịch COVID-19 vừa qua là chất xúc tác lớn thúc đẩy HKD tiến tới mô hình doanh nghiệp để được tiếp cận chính sách hợp pháp, thuận lợi và quyền lợi tốt hơn.

TS.Cấn Văn Lực nhận định dịch COVID-19 vừa qua là chất xúc tác lớn thúc đẩy HKD tiến tới mô hình doanh nghiệp

TS.Cấn Văn Lực nhận định dịch COVID-19 vừa qua là chất xúc tác lớn thúc đẩy HKD tiến tới mô hình doanh nghiệp

“Xúc tác lớn nhất từ dịch COVID-19 là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, thu hút HKD tham gia hoạt động kinh doanh online. Nông dân của chúng ta cũng đang dần online. Vậy cơ chế hỗ trợ ra sao để họ hợp thức hóa hoạt động kinh doanh, cùng tham gia đóng góp vào nền kinh tế? Tôi nghĩ giải quyết vấn đề này sẽ tạo động lực lớn để HKD nâng cấp thành doanh nghiệp. Ta có thể nghĩ đến đánh thuế mang tính danh nghĩa trong 2-3 năm đầu để khuyến khích chuyển đổi”, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

“Về phía hỗ trợ cho HKD, đứng từ góc độ ngân hàng, tôi cho rằng hệ thống ngân hàng đã và đang thực hiện tốt các nghị quyết Chính phủ, vào cuộc tương đối quyết liệt để hỗ trợ toàn nền kinh tế. Môi trường lãi suất hiện tại đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua”, ông Lực nói.

Tôi đồng ý rằng tư duy thiết kế chính sách phải thay đổi. Những ai làm kinh doanh được phép tự do kinh doanh,
Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký...

TS. Cấn Văn Lực

"Bản chất nguyên nhân bất bình đẳng giữa các loại hình không phải do tên gọi, mà do môi trường pháp lý khác biệt"

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, môi trường kinh doanh bất bình đẳng với lĩnh vực HKD không phải vấn đề mới và đã được thảo luận nhiều trong quá trình soạn thảo luật doanh nghiệp. Gốc rễ vấn đề bắt nguồn từ nguồn gốc lịch sử hình thức HKD. Từ khi Luật công ty và Luật doanh nghiệp cá nhân ra đời vào năm 1990, tư duy chính sách đã phân biệt rạch ròi giữa hình thức doanh nghiệp và hộ kinh doanh liên quan đến quy mô, dòng vốn. Tư duy đó được áp dụng phổ biến trong triển khai hệ thống chính sách suốt 3 thập kỷ qua.

Ông Hiếu chỉ ra trong nhiều trường hợp, quy mô kinh doanh của HKD và doanh nghiệp gần như không có sự phân biệt, nhưng về mặt pháp lý lại có sự khác biệt rất lớn. Điều này dẫn đến nhà đầu tư băn khoăn khi lựa chọn hình thức đầu tư kinh doanh: kinh doanh theo hình thức HKD hay đăng ký doanh nghiệp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng chính sách cải cách môi trường kinh doanh cho HKD còn loay hoay, lúng túng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng chính sách cải cách môi trường kinh doanh cho HKD còn loay hoay, lúng túng

“Việc xử lý vấn đề môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa HKD và doanh nghiệp, theo tôi, vẫn còn có sự loay hoay, lúng túng trong chính sách. Có một giai đoạn khoảng 3-4 năm trước đây, chúng ta cố gắng xoa dịu khoảng cách pháp lý bằng cách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp. Nhưng tôi cho rằng, đến nay, có thể thấy chính sách này đã thất bại vì không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Để giải quyết tận gốc vấn đề, như tôi đã đề xuất, cần thay đổi về mặt tư duy. Bản chất nguyên nhân bất bình đẳng không phải do hình thức kinh doanh là HKD hay doanh nghiệp, mà là môi trường pháp lý khác biệt giữa hai đối tượng HKD và doanh nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Về vấn đề giải pháp, ông Phan Đức Hiếu bình luận: “Để giải quyết vấn đề này, tôi có hai đề xuất. Một là thể chế hóa HKD, đưa HKD trở thành một hình thức kinh doanh được thể chế vào luật như các hình thức kinh doanh khác để nhà đầu tư lựa chọn. Hai là thay đổi tư duy toàn bộ hệ thống chính sách, chấm dứt tình trạng chính sách khác biệt dựa trên tên gọi (HKD hay doanh nghiệp). Chính việc chính sách khác biệt theo tên gọi đã tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh”.

“Tôi cho rằng cần cải cách môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa để khi người ta bắt đầu kinh doanh, chi phí về thời gian, suy nghĩ không nằm nhiều ở thủ tục hành chính, chọn loại hình kinh doanh nào, rào cản pháp lý ra sao. Thay vào đó, nên dành tâm trí và thời gian tối đa để xây dựng chiến lược kinh doanh sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Để giải quyết vấn đề này, ta cần các nghị quyết ở cấp cao (Chính phủ) nhằm thay đổi tư duy và triển khai đồng bộ”, ông Hiếu nói thêm.

Ảnh tác giả

"Tôi có hai đề xuất: Một thể chế hóa, đưa HKD trở thành một hình thức kinh doanh được thể chế vào luật như các hình thức kinh doanh khác để nhà đầu tư lựa chọn. Hai là thay đổi tư duy hệ thống chính sách, chấm dứt tình trạng chính sách khác biệt dựa trên tên gọi."

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu

TS.Cấn Văn Lực cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của ông Phan Đức Hiếu: “Tôi đồng ý rằng tư duy thiết kế chính sách phải thay đổi. Những ai làm kinh doanh được phép tự do kinh doanh, Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký. Hiện nay Việt Nam đã đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhưng đã đơn giản bằng Singapore chưa? Và sau khi đăng ký, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kiến tạo và vận hành ra sao thì chưa có cơ chế. Doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn đều có chung chính sách quản lý như nhau”.

Sự kiện công bố kết quả nghiên cứu Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh cho các HKD do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp với Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (BTRI) và Viện Nghiên cứu Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tin liên quan

Đọc tiếp