Đừng quên vai trò của các hộ kinh doanh

CHÍNH SÁCH Việt nAM
12:09 - 15/10/2021
Đừng quên vai trò của các hộ kinh doanh
0:00 / 0:00
0:00
Đóng góp khoảng 30% GDP hàng năm, khu vực hộ kinh doanh đang là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, theo khảo sát của VERP và BIDV công bố sáng 15/10

Sáng 15/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh cho hộ kinh doanh (HKD) Việt Nam.

Theo khảo sát, có 14,27% hộ kinh doanh mong muốn được hỗ trợ về tín dụng ngắn hạn vượt qua giai đoạn khó khăn, 13,91% mong muốn có chính sách hỗ trợ về thủ tục miễn giảm thuế, 12,72% mong muốn hỗ trợ về pháp lý, 12,47% mong muốn hỗ trợ về thủ tục tạm thời đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, 12,26% hộ kinh doanh mong muốn hỗ trợ về công nghệ, 11,85% là hỗ trợ đào tạo nghề và định hướng kinh doanh

Bản nghiên cứu, khảo sát trên 1.018 hộ kinh doanh tại 8 khu vực kinh tế trên cả nước, được thực hiện với sự phối hợp của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (BTRI) và Viện Nghiên cứu Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam.

HKD là lực lượng quan trọng đóng góp vào nền kinh tế (khoảng 30% GDP hàng năm trong giai đoạn 2015-2019). Tuy có xu hướng giảm nhẹ trong 5 năm qua nhưng đến hết 2019, đây vẫn là thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu GDP của toàn bộ nền kinh tế (29,4%), kết quả nghiên cứu cho biết.

Theo các tác giả, nhận thức rõ rệt về vai trò của khu vực này, kết quả nghiên cứu được đưa ra nhằm mục đích gỡ nút thắt pháp lý cho khu vực kinh tế HKD, kỳ vọng kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hợp pháp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và vốn.

Kết quả nghiên cứu nhằm mục đích gỡ nút thắt pháp lý cho khu vực kinh tế hộ kinh doanh, kỳ vọng kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hợp pháp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và vốn

Hộ kinh doanh - thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam

Năm 1989, theo Tổng cục Thống kê (TCTK), cả nước có 333.337 hộ cá thể, hộ tiểu thủ công nghiệp (có đăng ký kinh doanh), đến năm 1999, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng HKD mới là 1,5 triệu hộ. Tính đến cuối năm 2019, số HKD trên cả nước là gần 5,4 triệu hộ, gấp gần 9 lần tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động năm 2019. Trong đó, khoảng 1,7 triệu HKD đăng ký chính thức, còn lại hoạt động ở thị trường tự do.

Số lượng hộ kinh doanh qua từng thời kỳ
Số lượng hộ kinh doanh qua từng thời kỳ

Cùng với sự phát triển về số lượng, quy mô trung bình của HKD cũng tăng khá mạnh qua các năm. Theo số liệu điều tra cơ sở sản xuất cá thể phi nông nghiệp 2016 của TCTK, nguồn vốn kinh doanh trung bình của một HKD là 162 triệu đồng/hộ (gấp 2,7 lần mức 58,3 triệu đồng/hộ năm 2007), tài sản cố định đạt mức bình quân 100 triệu đồng/hộ (gấp 2,5 lần mức 40,1 triệu đồng/hộ năm 2007).

Tỷ trọng đóng góp GDP theo thành phần kinh tế
Tỷ trọng đóng góp GDP theo thành phần kinh tế

Một đóng góp quan trọng khác của khu vực HKD là tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Về quy mô lao động sử dụng, tổng số lao động của các HKD gia tăng cùng với sự phát triển về số lượng HKD, với lực lượng lao động thu hút được năm 2019 là 9 triệu người.

Chỉ tính riêng các HKD phi nông nghiệp, tỷ trọng lao động bình quân trong giai đoạn 2015-2019 đạt 17% tổng lao động cả nước, góp phần giảm tải sức ép việc làm cho xã hội.

Số lượng lao động và quy mô lao động bình quân của hộ kinh doanh
Số lượng lao động và quy mô lao động bình quân của hộ kinh doanh

HKD cũng đóng vai trò trực tiếp tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo cho chính những người sở hữu, quản lý và làm việc ở khu vực này, gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở cả thành thị và nông thôn. Đáng lưu ý, khu vực HKD đã thu hút được tỷ lệ cao các lao động có trình độ thấp, chưa qua đào tạo trong khi nhóm lao động này thường có tỷ lệ ít trong khối doanh nghiệp.

Khu vực HKD cũng đã đóng góp một phần cho Ngân sách Nhà nước, mặc dù tỷ trọng còn khiêm tốn so với khu vực DN. Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017 của TCTK, tổng lượng thuế nộp ngân sách Nhà nước năm 2017 của khu vực HKD chỉ đạt mức rất khiêm tốn là 12 nghìn tỷ đồng, bình quân 2,7 triệu đồng/hộ trong khi con số của khu vực DN lần lượt là 861 nghìn tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng/DN. Đây cũng là một điểm còn hạn chế của khu vực HKD bởi ngoài quy mô kinh doanh còn nhỏ, hiệu quả chưa cao thì việc thất thoát trong việc đánh giá và thu thuế cũng là một nguyên nhân quan trọng.

Theo ngành nghề cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp, tỷ trọng cao nhất là nhóm ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 15,7% tổng số HKD năm 2019. Đối với lĩnh vực Thương mại và dịch vụ, 3 nhóm ngành chính là Bán buôn bán lẻ - sửa chữa các loại xe có động cơ (45,4%); Dịch vụ lưu trú - ăn uống (16,2%) và Kinh doanh BĐS (6,8%).

Mặc dù là một trong những khu vực đóng góp cao nhất cho GDP cả nước, hoạt động HKD còn tồn tại nhiều hạn chế về tính pháp lý, chính sách hỗ trợ, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động của các HKD còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề quản lý thuế và các nghĩa vụ khác với xã hội và người lao động.

HKD cũng được đánh giá là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ làn sóng dịch COVID-19 vừa qua.

14,27% hộ kinh doanh mong muốn nhận hỗ trợ tín dụng

Kết quả nghiên cứu của VEPR, BIDV và FNF chỉ ra rằng cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ vốn vay của HKD ở mức thấp, dao động ở mức 8,6% đến 10,1% vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2014-2016 trong khi tỷ lệ vay của các doanh nghiệp nói chung thường ở mức cao hơn (cá biệt một số lĩnh vực, tỷ lệ vốn vay trên tổng tài sản có thể đến trên 70%).

Điều này một mặt cho thấy các HKD ít có nhu cầu vay vốn nhưng mặt khác cũng cho thấy khả năng tiếp cận vốn của HKD thấp hơn so với doanh nghiệp. Cụ thể, nhóm nghiên cứu trích dẫn lại báo cáo “Chính thức hóa HKD ở Việt Nam - Thực trạng và khuyến nghị chính sách” (CIEM, 2017): có tới 82,61% doanh nghiệp cho rằng hình thức doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi vay vốn các TCTD chính thức; trong khi tỷ lệ này ở HKD chỉ là 48,53%.

Tỷ trọng tài sản cố định/tổng tài sản bình quân một hộ kinh doanh - Nguồn: TCTK
Tỷ trọng tài sản cố định/tổng tài sản bình quân một hộ kinh doanh - Nguồn: TCTK

Khảo sát trên hơn 1.000 HKD cho thấy các HKD đều mong muốn Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.