VCBS kỳ vọng các ngân hàng được bổ sung 'room' tín dụng đầu quý III/2022

ROOM TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
12:09 - 30/06/2022
VCBS kỳ vọng các ngân hàng được bổ sung 'room' tín dụng đầu quý III/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia phân tích VCBS, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.

Theo báo cáo phân tích về triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022 vừa công bố của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 8,04% tính tới thời điểm cuối tháng 5/2022, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 4,67% cùng kỳ 2021 nhờ nhu cầu vốn tăng cao sau dịch bệnh.

VCBS kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14 – 16% năm 2022, nhờ được hỗ trợ bởi nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh và gói hỗ trợ lãi suất 2% tương ứng với dư nợ khoảng 2 triệu tỷ đồng phân bổ trong 2022 và 2023.

Trong đó, tín dụng bán lẻ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của tín dụng hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ các ngân hàng niêm yết đã tăng từ mức 31% năm 2015 lên mức 45% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý I, trong đó các sản phẩm cho vay mua nhà, mua ôtô, tài chính tiêu dùng đều ghi nhận mức tăng tích cực.

Báo cáo cũng chỉ rõ, trong thời gian qua, tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp SME được các ngân hàng ưu tiên hơn nhờ hệ số rủi ro khi tính CAR ở mức thấp hơn cho vay doanh nghiệp lớn theo Thông tư 41. Đồng thời, phân khúc này có tỷ suất sinh lời cao hơn.

Về room tăng trưởng tín dụng, VCBS cho biết, nhiều ngân hàng đã chạm hạn mức tín dụng ban đầu ngay từ cuối quý I/2022 và đang chờ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room. Theo đó, VCBS kỳ vọng các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn đầu quý III/2022.

Chuyên gia phân tích VCBS cho biết, các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội như miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các TCTD...

Do đó, nhóm phân tích VCBS đánh giá, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB... sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Ngoài ra, trong thời gian tới, việc MB và Vietcombank nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.

Tình trạng cạn "room" tín dụng ở các ngân hàng khiến những nhà băng này có tiền nhưng không cho vay được, dẫn đến thanh khoản khá dư thừa trong hệ thống thời gian gần đây.

Theo đó, NHNN đã có động thái tích cực rút thanh khoản dồi dào trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua. Chỉ trong một tuần (21-28/6), NHNN đã hút về gần 100.000 tỷ đồng thông qua việc bán tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 0,65-0,7%/năm.

Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS tổng hợp.
Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS tổng hợp.

Lợi nhuận ngành ngân hàng nửa cuối năm vẫn khả quan

Theo đánh giá của VCBS, diễn biến lãi suất đang tác động đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng, cụ thể là lãi suất huy động đang nhích lên, thanh khoản bớt dồi dào trong khi việc tăng lãi suất luôn có độ trễ.

Biên độ lãi thuần (NIM) của ngân hàng đã đạt đỉnh năm 2021 và đang có biểu hiện giảm do lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, một số nhóm ngân hàng vẫn có thể duy trì được mức NIM cao, bao gồm nhóm ngân hàng tư nhân có tập khách hàng cá nhân tăng nhanh tiếp tục nâng cao tỷ lệ CASA và cải thiện được chi phí vốn và nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.

Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi gia tăng tỷ trọng chiếm trung bình 27% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng với đóng góp chủ yếu từ thu nhập dịch vụ cũng giúp các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tích cực.

Mặc dù nợ xấu năm nay có thể gia tăng khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022 song các chuyên gia phân tích VCBS cho rằng, áp lực dự phòng được giảm thiểu khi các ngân hàng đã tăng cường bộ đệm dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu lên cao hơn mức quy định 30% trong bối cảnh nguồn thu nhập dồi dào.

Với tình hình này, VCBS duy trì dự báo tích cực đối với lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, mức độ tích cực sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, đặc biệt trong năm 2023 sẽ có sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Trong khi đó, chia sẻ tại hội thảo "Triển vọng ngành ngân hàng 2022: Cơ hội và thách thức" mới đây, ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc Khối Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn, FiinGroup cho biết, nợ xấu tại các ngân hàng đang dần tăng lên và có thể tiếp tục tăng lên trong các quý tới khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ. Đây sẽ là áp lực với một số ngân hàng, đặc biệt là với những ngân hàng có hệ số bao phủ nợ xấu thấp và chưa trích lập đủ.

Theo đó, nhận định về tình hình kinh doanh các ngân hàng trong năm nay, đại diện FiinGroup cho rằng, các ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng LNST khoảng 33% so với cùng kỳ đã đặt ra.

Thứ nhất, thu nhập lãi thuần sẽ khó tăng mạnh khi yếu tố hỗ trợ tăng NIM như cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, điều chỉnh lãi vay sẽ cân bằng với việc tăng COF trong bối cảnh các yếu tố hỗ trợ giảm COF khác đã không còn nhiều dư địa cải thiện, tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu tín dụng cùng xu hướng tăng theo FED và các ngân hàng trung ương.

Thứ hai, nợ xấu nội bảng sẽ tiếp tục tăng lên khi hết thời hạn cơ cấu nợ vào 30/6/202. Hơn nữa, những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi do rủi ro vỡ nợ chéo vẫn đang hiện diện.

Thứ ba, sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản. Theo phân tích của FiinGroup, ngành Bất động sản đang gặp nhiều trở ngại trong hiện tại và tương lai, điều này sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.