Tín dụng 5 tháng đầu năm tăng nhanh, các ngân hàng xin được 'nới room'

NGÂN HÀNG Việt nAM
11:38 - 02/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Thời điểm cuối tháng 5/2022, tín dụng tại nhóm ngành ngân hàng hầu hết ghi nhận sự tăng mạnh trở lại so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, để có dư địa triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các nhà băng đồng loạt đề nghị nới "room" tăng trưởng tín dụng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng toàn ngành kinh tế trong 5 tháng đầu năm cho thấy sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể tính đến 20/5, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,66% và tính tới 27/5 ước tăng 7,75%, cao hơn gấp 2 lần cùng thời điểm năm 2021.

Trong đó, tín dụng tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt một số lĩnh vực khó khăn thời gian trước đó cũng có mức tăng trưởng tín dụng cao như tín dụng vận tải, du lịch, dịch vụ tăng 8,25%; tín dụng công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%...

Đáng chú ý, nhóm tín dụng tăng vọt mạnh trong 5 tháng đầu năm nay là ngân hàng với nhiều ngân hàng tăng gấp đôi cùng kỳ, vượt ngưỡng 10% chỉ trong ba, bốn tháng đầu năm 2022.

Hiện có 18/27 ngân hàng niêm yết trên các sàn chứng khoán đều ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng quý I/2022 cao hơn năm ngoái, trong đó phải kể tới nhóm ngân hàng quốc doanh khi 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng VietinBank đạt tới 8,7%, Vietcombank với 7,1%, còn BIDV tăng trưởng cho vay 4,7%.

Với Vietcombank, nếu tính lũy kế tới 5 tháng đầu năm 2022, tín dụng hơn 9%, trong khi hạn mức năm nay tăng trưởng chỉ 15%. Tại thời điểm quý I/2021 tín dụng tại Vietcombank chỉ đạt 3,8%, Vietinbank gần như không tăng trưởng tín dụng và BIDV là 1,6%.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, cũng có mức chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng trong quý I/2022 và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của MB đạt hơn 14,3% sau ba tháng đầu năm, so với mức tăng 8,6% cùng kỳ năm trước. HDBank tăng trưởng cho vay với biên độ hơn gấp đôi. Điều này tương tự với Eximbank, Sacombank, TPBank, VPBank hay SHB.

Mức tăng trưởng mạnh hiếm thấy của tín dụng đã khiến nhiều ngân hàng lớn gần cạn "room" ngay trong đầu quý II/2022.

Vì thế, để có dư địa triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các nhà băng vừa đồng loạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay. Đề nghị này cũng xuất phát từ thực tế là tín dụng trong những tháng đầu năm nay đã tăng vọt.

Liên quan đến vấn đề nới room tín dụng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết tại "Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%", ngay từ khi phân bổ room tín dụng kỳ đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát.

Theo ông Tú, nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Và cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện.

Các chuyên gia SSI Research nhận định, nguyên nhân một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tính trong tăng trưởng tín dụng).

Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra đầu năm, do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.

Trong giai đoạn cuối năm, SSI Research cho rằng Vietcombank và MB có thể có lợi thế về tăng trưởng tín dụng trong năm nay, do hai ngân hàng này có kế hoạch tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng "0 đồng". VPBank và HDBank cũng có tờ trình ủy quyền cho Hội đồng quản trị xem xét tham gia chương trình tái cơ cấu theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên, thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.