VCBS: Thị trường TPDN sẽ tiếp tục trầm lắng, thanh khoản giảm dần

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
16:08 - 14/10/2022
VCBS: Thị trường TPDN sẽ tiếp tục trầm lắng, thanh khoản giảm dần
0:00 / 0:00
0:00
Trong dài hạn, VCBS cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn còn nhiều tiềm năng nhờ sự mở rộng cả về quy mô lẫn tính đa dạng của sản phẩm, nhưng trong ngắn hạn thị trường này sẽ tiếp tục trầm lắng.

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới đây đã chỉ ra rằng, trong 9 tháng đầu năm, có 411 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 244.000 tỷ đồng, giảm 67,78% so với cùng kỳ 2021. Ngoài ra, có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế giá trị 625 triệu USD.

Theo phân tích của VCBS, sau giai đoạn 2020-2021 tăng trưởng mạnh, quy mô thị trường TPDN chững lại, tuy nhiên vẫn đang phần nào đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

Theo dữ liệu chuyên trang thông tin TPDN, khối lượng trái phiếu mua trước hạn trong 9 tháng đạt 135.000 tỷ đồng. Lượng mua lại trái phiếu có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022.

Trong đó, doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn nhiều nhất hầu hết là các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (12.672 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (8.800 tỷ đồng), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu Điện Liên Việt (8.000 tỷ đồng),...

Trong top 20 doanh nghiệp giá trị mua lại lớn loại trừ các ngân hàng là các công ty Azura (7.317 tỷ đồng), Yamagata (4794 tỷ đồng), CTCP Osaka Garden (3.400 tỷ đồng), CTCP Bông Sen (2.400 tỷ đồng),...

790.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong giai đoạn 2023 - 2024

Báo cáo VCBS cũng cho biết, khối lượng đáo hạn TPDN tập trung nhiều vào 2023-2024. Theo ước tính, lượng đáo hạn quý IV/2022 đạt 85.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng (chiếm 53,4%), bất động sản (chiếm 27%).

Một số doanh nghiệp có giá trị trái phiếu đáo hạn cao trong quý IV có: NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (15.400 tỷ đồng), NHTMCP Quốc tế Việt Nam (8.000 tỷ đồng) và NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (8.000 tỷ đồng), CTCP TNHH Sản xuất và Kinh Doanh Vinfast (6.080 tỷ đồng), NHTMCP Bưu điện Liên Việt (4.000 tỷ đồng),...

Lượng đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng TPDN đang lưu hành, có thể kéo theo nhu cầu phát hành để đảm bảo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường.

Theo đó, VCBS cho rằng khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Đồng nghĩa, rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt.

Thị trường TPDN vẫn còn nhiều tiềm năng

Trong dài hạn, VCBS cho rằng thị trường TPDN vẫn còn nhiều tiềm năng nhờ sự mở rộng cả về quy mô lẫn tính đa dạng của sản phẩm.

Mục tiêu của Chính phủ đặt ra đến năm 2025 quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.

Có thể thấy, trong dài hạn định hướng của cơ quan quản lý là tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của thị trường, nâng cao vai trò trái phiếu doanh nghiệp trong việc là kênh huy động vốn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, VCBS cũng nhấn mạnh rủi ro đến từ xu hướng tăng nhanh và mạnh của lãi suất điều hành của nhiều quốc gia trên thế giới trong khoảng thời gian ngắn, tạo ra tác động tiêu cực lên các tài sản rủi ro neo theo lãi suất dài hạn và thị trường TPDN không phải là ngoại lệ. Theo đó, lãi suất trái phiếu được dự báo tăng ở cả 2 cấu phần lãi suất tham chiếu và phần bù rủi ro.

Các trái phiếu có tham chiếu dựa theo lãi suất tiền gửi sẽ tăng trong kỳ tính lãi trái phiếu tiếp theo. Xu hướng này dự báo còn tiếp diễn trong năm 2023, khi xu hướng tăng lãi suất dự báo tiếp diễn.

Cùng với đó, liên tiếp các cảnh báo và các vụ việc gần đây liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến cho nhận thức của nhà đầu tư đối với rủi ro từ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp thay đổi đáng kể. Do vậy, phần bù rủi ro để các nhà đầu tư tìm thấy sự hấp dẫn đối với kênh này cũng tăng thêm.

Tác động tiêu cực của xu hướng tăng lãi suất sẽ được khuếch đại lên và làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối với nhà đầu tư.

Tổng hợp lại, VCBS cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng với thanh khoản giảm dần. Điểm đáng chờ đợi sẽ là thời điểm hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp tập trung đi vào vận hành và đem lại tính thanh khoản tốt hơn đối với sản phẩm này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup mới đây đã nhận định, nhìn chung, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là có, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Hiện nhà đầu tư trái phiếu muốn đáo hạn sớm đã được giải quyết và nhiều doanh nghiệp cũng chủ động "trả lại" tiền cho nhà đầu tư.

Hoạt động phát hành mới giảm sút trong 9 tháng năm 2022 cộng với việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn đã làm cho số dư trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đã giảm đi đáng kể. Điều này khiến rủi ro đến với hệ thống tài chính cũng cơ bản được kiểm soát, mặc dù việc đáo hạn sớm đã tạo ra những xáo trộn trên thị trường trái phiếu và lây sang cả thị trường cổ phiếu.

Đọc tiếp