Việt Nam - Campuchia: Đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả

Việt nAM Campuchia
17:54 - 08/11/2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc hội đàm ngày 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định quyết tâm củng cố, phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.

Sáng 8/11, ngay sau Lễ đón trọng thể tại Cung Hòa bình tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thăm chính thức Campuchia trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng chúc Campuchia tổ chức tốt cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII năm 2023, tiếp tục xây dựng đất nước Campuchia hoà bình, ổn định và phát triển phồn vinh, thịnh vượng.

Đánh giá cao những đóng góp và kết quả tích cực Campuchia đạt được trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2022, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Campuchia sẽ tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 sắp tới.

Việt Nam - Campuchia: Đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi hội đàm. Ảnh: VGP

Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang ý nghĩa quan trọng trong năm kỷ niệm lần thứ 55 Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Thủ tướng Hun Sen cũng chúc mừng Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, thể hiện vị thế quốc tế ngày càng cao.

Thủ tướng Hun Sen bày tỏ tin tưởng và chúc nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, tiếp tục giành nhiều thắng lợi mới, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài"

Với nhiều hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”, hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Việt Nam và Campuchia, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, nhấn mạnh nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này làm phương hại đến an ninh và lợi ích của nước kia; ngăn chặn các loại tội phạm xuyên biên giới như buôn người, vận chuyển và buôn lậu ma túy, đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh mạng, bảo hộ công dân...

Hai bên cũng thống nhất tiếp tục tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia và thúc đẩy việc hồi hương hài cốt các chiến sĩ Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia từ Việt Nam về Campuchia.

Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đây đang trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian gần đây. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt trên 9,5 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2020; kim ngạch 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021, cán cân thương mại tương đối cân bằng.

Đến nay, Việt Nam có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư lớn nhất tại Campuchia.

Việt Nam - Campuchia: Đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả ảnh 2

Hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện giữa hai nước. Ảnh: VGP

Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, cả về cơ sở hạ tầng cứng cũng như thể chế, chính sách; ưu tiên thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như giữa các doanh nghiệp hai nước; hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước, đồng thời bảo đảm hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại biên giới và hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên, kinh tế cửa khẩu; hoan nghênh việc hai bên đã nỗ lực hoàn tất Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia để ký kết nhân dịp chuyến thăm này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Campuchia tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Campuchia trên cơ sở cùng có lợi.

Về công tác biên giới, hai bên nhất trí tôn trọng và thực hiện đầy đủ các điều ước về biên giới đã ký kết giữa hai nước, tiếp tục thúc đẩy đàm phán, cùng nỗ lực tìm kiếm giải pháp thoả đáng đối với 16% đường biên giới trên đất liền chưa hoàn thành phân giới cắm mốc, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, ổn định và hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Campuchia tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 tại Campuchia năm 2023.

Việt Nam - Campuchia tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm việc ổn định và hợp pháp tại Campuchia, hoà nhập và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại.

Hai Thủ tướng dành thời gian trao đổi về một số vấn đề khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm. Trong đó nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam và Campuchia cần tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong...

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tăng cường xây dựng lòng tin, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ủng hộ các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng mời Thủ tướng Hun Sen thăm chính thức Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Thủ tướng Hun Sen đã nhận lời và đề nghị hai bên phối hợp thu xếp chuyến thăm qua đường ngoại giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng chứng kiến lễ ký kết 11 văn kiện giữa hai nước:

1. Bản ghi nhớ về loại và số lượng xe thương mại đối với việc thực hiện Hiệp định và Nghị định thư về vận tải đường bộ.

2. Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

3. Hiệp định Thương mại biên giới

4. Thỏa thuận về hợp tác hành chính trong khuôn khổ Điều 56(1)(a) Quy định 2015/2446 ngày 28 tháng 7 năm 2015 bổ sung Quy định số 952/2013 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về quy tắc chi tiết thi hành một số điều khoản trong Luật Hải quan của Liên minh châu Âu đối với linh kiện và phụ tùng xe đạp.

5. Thỏa thuận về hợp tác hành chính theo phần 18(3)(B) Quy định hải quan 2020 (Xuất xứ của hàng hóa tính thuế: Chương trình ưu đãi thương mại).

6. Thỏa thuận hợp tác về hợp tác truyền thanh và truyền hình giai đoạn 2022-2025.

7. Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số

8. Bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa Ủy ban Dân tộc nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Lễ nghi Tôn giáo Vương quốc Campuchia.

9. Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động

10. Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đổi mới tài chính và hệ thống thanh toán

11. Bản Ghi nhớ giữa Công ty Viettel Campuchia và Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.