Việt Nam đã đón gần 1.000 lượt khách quốc tế theo chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine

DU LỊCH Việt nAM
08:06 - 01/12/2021
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê của ngành du lịch, trong tháng qua cả nước đã đón 978 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vắc xin.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam đang triển khai ở 5 địa phương trong giai đoạn 1 đang thu được kết quả tốt.

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục mở rộng thêm, tiến tới sớm mở cửa hoàn toàn đối với khách quốc tế. Tuy nhiên, do diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục khó lường với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron nên Tổng cục Du lịch vừa thực hiện thí điểm đón khách quốc tế vừa theo dõi bám sát tình hình dịch bệnh, vừa thực hiện chỉ đạo chung của Chính phủ.

Cùng với việc thận trọng mở cửa bởi biến chủng mới, Tổng cục Du lịch cũng quan sát và đánh giá cao mô hình thí điểm đón khách quốc tế đến Phuket của Thái Lan rất thành công khi hiện nay, nước này đã mở cửa đón khách từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vì vậy, Tổng cục Du lịch đang tích cực chuẩn bị kỹ cho phiên làm việc sắp tới với Tổng cục Du lịch Thái Lan liên quan đến việc trao đổi khách giữa hai nước ở giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chương trình dự kiến sẽ làm điểm giữa Thái Lan và Việt Nam vì đây là thị trường nguồn, sau đó sẽ nhân rộng thêm.

Theo chương trình thí điểm đảo, đổi khách giữa hai nước thì từ tháng 12 này sẽ có đoàn khách du lịch quốc tế từ Thái Lan sang Việt Nam.

Về mặt chính sách, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, theo Chủ tịch HĐQT Vietrave, để hoạt động du lịch phục hồi trở lại cần phải đảm bảo sự thông suốt, đồng bộ từ chính quyền trung ương tới địa phương, cũng như giữa các địa phương với nhau.

Thời gian vừa qua, chính sách từ trung ương khá thông thoáng nhưng địa phương lại mỗi nơi một cách áp dụng, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều "hàng rào kỹ thuật", khó cho doanh nghiệp du lịch tổ chức đoàn khách du lịch liên vùng, liên tuyến.

Ngoài ra, chính sách, quy định thường thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp rất hoang mang, bối rối khi thực hiện.

Các biện pháp hỗ trợ để phục hồi du lịch cụ thể cần có cơ chế, chính sách phù hợp và chiến lược thích ứng linh hoạt. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực… cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch sẽ khiến việc phục hồi hoạt động du lịch càng được nhanh chóng.

Bên cạnh đó, cần kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, giảm giá điện và tiếp tục kéo dài chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp đến hết năm 2023

Giám đốc Công ty CP Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cũng cho rằng, cần tạo ra các sản phẩm thu hút khách du lịch, xây dựng sản phẩm cần tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt, đưa thêm những điều kiện thay đổi cho khách hàng.

Sản phẩm du lịch càng cá biệt hóa tới từng đối tượng khách hàng càng tạo được cảm giác yên tâm cho khách. Cùng với đó, doanh nghiệp nên thực hiện tái cơ cấu tổ chức theo từng nhóm nhỏ để tạo ra những sản phẩm chuyên biệt.

Bổ sung thêm ý kiến về các sản phẩm du lịch, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, đơn vị cần tập trung xây dựng các sản phẩm bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn.

Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố bền vững, an toàn. Trong đó có một số loại hình sẽ lên ngôi như: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch miền núi… Ngoài ra, du khách sẽ có xu hướng trải nghiệm du lịch “không chạm”, hạn chế tiếp xúc.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, ngoài các chính sách hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp du lịch và người làm du lịch thì rất cần chuẩn bị nhân lực cho ngành du lịch hồi phục. Do 2 năm vừa qua, hoạt động du lịch bị đóng băng khiến nhân lực ngành du lịch đã phải chuyển sang làm việc trong các ngành, lĩnh vực khác. Việc tuyển dụng đội ngũ nhân lực mới sẽ tốn nhiều thời gian và đều cần phải được đào tạo về an toàn dịch bệnh trong du lịch, cũng như những kiến thức giữ gìn bảo vệ môi trường.

Theo đó, việc chuẩn bị chương trình đào tạo cho hướng dẫn viên du lịch sẽ không phải chỉ là nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo, mà chính các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị để huấn luyện cho đội ngũ của mình.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp do đã có sự thay đổi về xu hướng và nhu cầu du lịch. Các doanh nghiệp cũng đề xuất nhiều giải pháp phục hồi khác như liên kết, ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh chuyển đổi số trong marketing; phát triển thêm sản phẩm du lịch tiềm năng đó là: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch Golf, du lịch ẩm thực…

Từ phía các địa phương thì cần đẩy nhanh việc tiêm phủ vaccine, đồng thời nâng cao năng lực y tế địa phương, đặc biệt là những nơi có các khu, điểm du lịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp