VN-Index hỗ trợ mạnh tại mốc 1.000 – 1.060 điểm, cơ hội tích luỹ cổ phiếu

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
06:00 - 07/10/2022
VN-Index đã lùi xuống vùng dưới 1.100 điểm.
VN-Index đã lùi xuống vùng dưới 1.100 điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện tại VN-Index đang giao dịch dưới mức trung bình P/E 10 năm. Điều này đem đến cơ hội tích lũy những cổ phiếu tốt và có tính chất phòng thủ.

VN-Index đang giao dịch dưới mức trung bình P/E 10 năm

Trong báo cáo chiến lược tháng 10 cập nhật ngày 6/10, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho rằng, VN-Index giảm điểm sâu thời gian qua phần lớn là do tâm lý thị trường đến từ quyết định tăng lãi suất của Fed và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Hiện tại, VN-Index đang giao dịch dưới mức trung bình P/E 10 năm -1 độ lệch chuẩn (SD). Điều này đem đến cơ hội tích lũy những cổ phiếu tốt và có tính chất phòng thủ. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên lưu ý về những áp lực đến từ thế giới có thể tác động tiêu cực vào sự tăng trưởng/ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Đáng lưu ý, trong tháng 9, tỷ giá USD/VND đã tăng xấp xỉ 1,9% so với tháng trước. Những áp lực bên ngoài có thể gián tiếp khiến khối ngoại bán ròng.

P/E của VN-Index giảm xuống dưới -1SD của P/E trung bình 10 năm.
P/E của VN-Index giảm xuống dưới -1SD của P/E trung bình 10 năm.

Theo quan điểm của MAS, những biến động gần đây do các sự kiện địa chính trị toàn cầu gây ra góp phần làm nổi bật các lợi thế của Việt Nam. Tầm nhìn đến cuối năm 2022, các chuyên gia phân tích có những nhận định sau:

Giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát; Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI; lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến các ngành/công ty sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.

Nếu các yếu tố vĩ mô của thế giới không diễn biến xấu hơn, MAS vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 là 17,5% so với 2021 (so với mức kì vọng của thị trường là 22%). Do tâm lý ngại rủi ro hiện đang chiếm ưu thế, chỉ số VN-Index có thể sẽ được hỗ trợ mạnh tại mốc 1.000 – 1.060 điểm, tương ứng với P/E dự phóng cuối năm 2022 là 9,9x –10,5x. Vì vậy, những nhịp điều chỉnh tiếp theo sẽ mở ra cơ hội tích lũy những cổ phiếu tốt, với kỳ vọng đầu tư trung và dài hạn.

MAS cho rằng, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt và kịp thời, giúp Việt Nam chủ động kiểm soát lạm phát. Điều này đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2022 (thống kê của Bloomberg về kỳ vọng tăng trưởng năm 2022 hiện đang ở mức 22% so với năm 2021, và tiếp tục tăng 19% trong năm 2023).

Hiện tại, P/E dự phóng cuối năm của thị trường Việt Nam so với các nước trên thế giới là khá thấp, dựa trên thống kê tăng trưởng kỳ vọng của Bloomberg. Tuy nhiên, mức định giá VN-Index hiện tại kém hấp dẫn hơn trước do sự điều chỉnh mạnh gần đây của các thị trường chứng khoán khác như Hàn Quốc; Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc)...

Mức định giá của VN-Index nằm trong vùng định giá hấp dẫn nhờ tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận (EPS) được kỳ vọng duy trì 2 chữ số.
Mức định giá của VN-Index nằm trong vùng định giá hấp dẫn nhờ tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận (EPS) được kỳ vọng duy trì 2 chữ số.

Ngành nào hấp dẫn?

Về luận điểm đầu tư thời gian tới, MAS lựa chọn các ngành tiện ích, tiêu dùng và hưởng lợi từ dòng vốn FDI.

Khu công nghiệp (KCN) là ngành liên quan nhiều đến FDI. Nửa đầu năm, các doanh nghiệp trong ngành này ghi nhận doanh thu tăng 24% so với cùng kỳ 2021, còn lợi nhuận sau thuế có mức tăng trưởng lên đến 95%.

Các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê như IDC, BCM, VGC… là những đầu tàu tạo nên sự tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận trong nửa đầu năm. Trong đó, IDC là doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất lên đến 490% so với cùng kỳ. Ngoài hoạt động cho thuê đất công nghiệp khả quan, trong kỳ IDC còn ghi nhận các khoản hồi tố từ doanh thu chưa thực hiện dài hạn đã ghi nhận từ các hợp đồng thuê trước đó.

Các doanh nghiệp đã hết quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê ghi nhận kết quả kém khả quan hơn, đa số đều thể hiện sự sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ. Một số trường hợp đặc biệt: SZC ghi nhận doanh thu tăng 34% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế suy giảm đến 28% do trong kỳ doanh nghiệp hạch toán các hợp đồng cho thuê sỉ đất công nghiệp cho bên liên quan là D2D, dẫn đến biên lãi gộp bị ảnh hưởng.

KBC ghi nhận doanh thu cho thuê đất giảm 61% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 271% so với cùng kỳ, trong đó công ty ghi nhận “thu nhập khác” gần 2.400 tỷ đồng đến từ hoạt động mua rẻ tài sản.

Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp KCN trong 6 tháng đầu năm 2022.

Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp KCN trong 6 tháng đầu năm 2022.

Hai cổ phiếu mà MAS kỳ vọng là PHR của Cao su Phước Hoà và NTC của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.

Đối với nhóm cổ phiếu phòng thủ thuộc ngành tiện ích (điện, nước), theo EVN, sản lượng sản xuất điện Việt Nam trong tháng 8/2022 tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 5% so với cùng kỳ. Thủy điện là loại hình ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng cao nhất, sản lượng nhiệt điện khí hồi phục trong khi năng lượng tái tạo ghi nhận mức giảm nhẹ, sản lượng nhiệt điện than giảm đáng kể.

Các cổ phiếu MAS kỳ vọng trong nhóm này là VSH của Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, PC1 của Tập Đoàn PC1, PPC của Nhiệt điện Phả Lại, BWE của CTCP Nước – Môi trường Bình Dương.

Cơ cấu sản lượng điện sản xuất 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021.

Cơ cấu sản lượng điện sản xuất 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021.

Đối với triển vọng tiêu dùng phục hồi, MAS cho rằng dầu khí và bán lẻ sẽ hưởng lợi.

Ngành dầu khí, giá dầu vẫn là yếu tố tác động lớn. Tuy nhiên dù kịch bản giá dầu ở mức nào (từ 60-100 USD/thùng) thì PVD (Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí) và PVT (Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí) vẫn đạt được tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hơn 30%.

Theo PVD, giá thuê giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận mức 80.000 USD – 90.000 USD/ngày tăng mạnh so với mức 75.000 USD/ngày của giai đoạn cuối 2021. Hiệu suất cho thuê giàn của PVD từ quý 3/2022 cũng được dự báo sẽ tăng lên mức trên 90% so với mức 78% của cùng kỳ.

Còn với PVT, chỉ số về giá cước các hoạt động vận tải như cước vận tải dầu thô (BIDY), cước vận tải các sản phẩm từ dầu (BAIT) hiện đang duy trì mức cao. Phần lớn các hợp đồng của PVT là cho thuê hạn định (xác định thời hạn thuê) từ 1 – 2 năm, trong nửa cuối 2022 công ty sẽ thực hiện gia hạn các hợp đồng này. Mức giá mới được kỳ vọng sẽ tốt hơn và giúp công ty củng cố lợi nhuận giai đoạn cuối năm 2022 và trong năm 2023.

Ngược lại, MAS cho rằng PVS (Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) sẽ không tăng trưởng lợi nhuận do chuẩn bị triển khai các hợp đồng lớn như dự án Điện gió Hải Long (Đài Loan, Trung Quốc).

Hai cổ phiếu MAS cho rằng tiềm năng trong nhóm này là GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và CNG của CTCP CNG Việt Nam.

CNG là công ty con của GAS, nắm 70% thị phần chi phối trong lĩnh vực phân phối CNG trong cả nước. Năm 2022, CNG dự kiến phối hợp với PV GAS và PV GAS LNG trong công tác chạy thử và vận hành thương mại kho LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải. Cùng với kế hoạch triển khai dự án LNG, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu gấp đôi đến năm 2025 tương ứng mức doanh thu vượt 6.000 tỷ đồng.

Ngành bán lẻ, tăng trưởng doanh thu vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố: Tăng trưởng thu nhập bình quân trong 9 tháng đầu năm đạt 11,9% so với cùng kỳ 2021; tỷ lệ thất nghiệp đang trên đà giảm từ mức đỉnh là 4% trong giai đoạn giãn cách vào quý 3/2021 về 2,28% trong quý 3/2022; nền thấp trong nửa sau năm 2021 do các biện pháp giãn cách xã hội; sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú…; FDI phục hồi.

Trong ngắn hạn, tăng trưởng bán lẻ ghi nhận ở mức cao nhờ nền thấp trong nửa sau năm 2021, tuy nhiên, các yếu tố bất ổn vĩ mô như tăng lãi suất và lạm phát cao sẽ tạo áp lực trong giai đoạn năm 2023. Nhìn chung, tuy lạm phát sẽ gây một áp lực nhất định lên tiêu thụ nội địa, MAS vẫn giữ quan điểm tích cực đối với tăng trưởng của ngành bán lẻ nói chung nhờ sự vượt trội của các yếu tố tích cực so với tiêu cực.

Các cổ phiếu tiềm năng mà MAS lựa chọn là MWG của CTCP Đầu Tư Thế Giới Di Động khi đang tích cực tìm kiếm động lực tăng trưởng và PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận khi đang trên đà hồi phục.

Ngoài các cổ phiếu trên, MAS còn đánh giá tiềm năng ở một số cổ phiếu thuộc ngành khác là FPT của Tập đoàn FPT, AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco và GMD của CTCP Gemadept.

Tin liên quan

Đọc tiếp