VN-Index nỗ lực hồi phục bất thành, VIC tiếp tục 'dò đáy'

VIC VN INDEX
16:11 - 26/09/2023
Hầu hết các nhóm cổ phiếu vẫn giao dịch tiêu cực.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu vẫn giao dịch tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù bên bán đã bớt áp lực hơn nhưng dòng tiền mua vẫn chưa tự tin nhập cuộc nên VN-Index mất động lực hồi phục. VIC tiếp tục giảm giá, lùi về vùng đáy 6 năm.

VN-Index mở cửa phiên 26/9 với tín hiệu tích cực, sau đó giằng co và có thời điểm bên mua còn thắng thế giúp chỉ số tăng gần 10 điểm. Tuy nhiên đến gần những phút cuối phiên, lực bán lại tung ra mạnh khiến VN-Index như bị “đánh úp”.

Kết phiên, chỉ số sàn HoSE giảm hơn 15 điểm, tiếp tục lùi sâu về mốc 1.137,96 điểm. HNX-Index cũng giảm 1,75 điểm còn UPCoM giảm 0,27 điểm. Thanh khoản sụt giảm với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 23.000 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn tích cực với việc duy trì mua ròng phiên thứ hai liên tiếp, giá trị hơn 650 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng số gần 3.800 tỷ đồng giao dịch). HPG và SSI được mua ròng mạnh nhất, lần lượt với giá trị 157 tỷ đồng và 135 tỷ đồng. DGC cũng được mua ròng 76 tỷ đồng. HCM, VCG, MSN, VIX, HDG, VPB, VIC, VCB được mua ròng trên 20 tỷ đồng.

Ngược lại, chứng chỉ quỹ FUESSVFL bị bán ròng mạnh nhất 118 tỷ đồng. STB, VND, MWG, GVR bị bán ròng 30-50 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có HDB, HSG, NT2, KDC…

Dòng tiền hôm nay “tháo chạy” khỏi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nên VN30 giảm nhẹ hơn thị trường chung, mất gần 7 điểm. Điều này là nhờ một số bluechip đã nhận được lực cầu trở lại sau nhiều phiên bị “xả”. Đóng góp lớn nhất là MSN, tăng 3,9%. SSI và VIB tăng 1,8%, CTG tăng 1,7%. HPG, MBB, MWG, VPB cũng ở chiều tăng.

Ngược lại, bộ đôi VIC và VHM vẫn là gánh nặng cho chỉ số khi giảm lần lượt 3,2% và 4,3%. VRE cũng giảm hơn 3%. GVR giảm sàn, VCB giảm 2,3%, BCM giảm 3,1%, BID, SHB, VNM giảm gần 2%.

Với mức giảm trên, VIC lùi về mức giá 45.000 đồng/cp, thấp nhất kể từ tháng 10/2017. Với thị giá hiện tại, quy mô vốn hóa của Tập đoàn Vingroup giảm còn hơn 171.600 tỷ đồng, đứng thứ tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước thời điểm hãng ô tô VinFast niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq, VIC từng “nổi sóng” tăng giá từ quanh 50.000 đồng cuối tháng 7 lên vùng 73.000 đồng đầu tháng 8. Sau đó, cổ phiếu này bước vào nhịp điều chỉnh sâu, tỷ lệ chiết khấu hiện đã lên tới 38%.

Toàn thị trường có 48 mã giảm sàn, 513 mã giảm giá, trong khi chỉ có hơn 250 mã ở chiều tăng. Nhóm thủy sản bị chốt lời sau giai đoạn tăng nóng. ANV, IDI, CMX đồng loạt giảm sàn. VHC giảm 3,3%, ACL giảm 4,2%. Có FMC vẫn giữ được sắc xanh nhưng chỉ tăng nhẹ 0,4%.

Nhóm bất động sản vẫn là tác nhân chính khiến thị trường đi xuống. Ngoài bộ ba nhóm Vingroup, nhiều mã cũng giảm sâu như TCH, DXS, SCR “trắng bên mua”, NVL, DXG giảm 6,5%, CEO giảm 4,2%, KHG giảm 6,8%, HDC giảm 4,8%, QCG giảm 6,4%... Ngược dòng có DIG +2,7%, VPI +1%...

Nhóm chứng khoán vốn là động lực hồi phục của thị trường trong phiên sáng nhưng đến cuối phiên các mã cũng đều hạ nhiệt. SHS, SSI từng có thời điểm tăng 5-6%, nhưng đóng cửa chỉ còn +1,8%. VIX có thời điểm tăng gần 4%, nhưng kết phiên với mức giảm hơn 5%. APG giảm sàn, APS giảm 8%, nhiều mã giảm 3-4% như AAS, ABW, AGR, BMS, DSC… Ngược lại, có hai mã tăng mạnh là MBS +5,1%, HAC +4,2%.

Các nhóm ngành khác tuy không còn bị bán tháo như phiên hôm qua nhưng nhìn chung vẫn giao dịch tiêu cực do dòng tiền chưa tự tin trở lại thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp