VNDirect: Doanh nghiệp gỗ gặp thách thức nhiều hơn khi Trung Quốc mở cửa

Gỗ DOANH NGHIỆP
07:25 - 21/03/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo ngày 20/3 của VNDirect, cùng với nhu cầu nhà ở tại Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 2, việc Trung Quốc mở cửa dự báo sẽ đem lại thách thức nhiều hơn cho doanh nghiệp nội thất gỗ khi đây là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Nhu cầu sẽ không phục hồi đến năm 2024

Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam giảm 34,8% so với cùng kỳ năm trước do chịu áp lực từ việc thị trường nhà ở tại Mỹ suy yếu.

Theo báo cáo, triển vọng vĩ mô kém khả quan của Mỹ đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nhà ở và xây dựng nhà ở. Lãi suất cho vay mua nhà của Mỹ tăng lên 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011, trong khi đó giá nhà trung bình tăng 10,4% so với cùng kỳ trong quý 4/2022, điều này đã làm giảm sức mua nhà tại Mỹ. Chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ đã giảm 48,1% so với cùng kỳ trong tháng 2/2023.

Theo VNDirect.

Theo VNDirect.

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trọng xuất khẩu cao tới Mỹ như PTB, GDT, SAV sẽ bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu, khoảng 10% - 15% so với cùng kỳ trong năm 2023. Thêm vào đó, biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,6-1 điểm phần trăm trong năm 2023 do giá bán trung bình thấp hơn.

Báo cáo dẫn nguồn từ Forest Economic Advisors, dự phóng nhu cầu về gỗ xẻ mềm ở Bắc Mỹ sẽ giảm 8,3% vào năm 2023, sau khi giảm 1,6% trong năm 2022 do thị trường tiêu dùng suy yếu và khả năng xảy ra suy thoái vẫn có thể xảy ra.

Theo VNDirect.

Theo VNDirect.

Theo báo cáo, giá ván ép – nguyên liệu đầu vào chính của ngành gỗ và sản phẩm gỗ sẽ vẫn ở mức thấp trong khoảng từ 410 USD/tấm đến 415 USD/tấm do thị trường bất động sản còn nhiều bất ổn. Do đó, giá ván ép dự báo sẽ giảm 5%-10% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2023.

Các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phải giảm giá bán bình quân để thu hút nhiều khách hàng hơn. Do đó, biên lợi nhuận gộp của ngành có thể sẽ giảm 0,6% -1 điểm phần trăm trong năm 2023.

Các chuyên gia kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ sẽ giảm nhẹ vào năm 2023 trước khi cải thiện vào năm 2024.

Thách thức nhiều hơn thuận lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Chỉ số PMI tại Trung Quốc đã tăng lên 52,6 trong tháng 2/2023. Đây là lần đầu tiên hoạt động sản xuất tăng trở lại kể từ tháng 7 năm ngoái và là mức cao nhất trong 8 tháng sau khi thay đổi chính sách Covid. Các chuyên gia kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 là gỗ nguyên liệu (mã HS44) với hơn 20 mặt hàng, chủ yếu là dăm gỗ. Hiện dăm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa niêm yết.

Ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu gỗ chính của Việt Nam, chiếm 37% thị phần vào năm 2022. Việc mở cửa trở lại một số mặt hàng xuất khẩu ròng của Trung Quốc có thể giúp giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp gỗ như PTB, TTF, GDT.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội thất gỗ trong năm 2023. Hiện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Hai quốc gia đang có thị phần tại Mỹ ngang nhau, ở mức 31%. Các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao như PTB, NHT, GDT sẽ gặp khó khăn trong nửa sau 2023.

Doanh nghiệp sản xuất gỗ vẫn tăng trưởng khả quan năm 2022

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,8 tỷ USD, hoàn thành 95,7% kế hoạch năm 2022 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam. Trong đó, Mỹ chiếm 54%, Trung Quốc chiếm 13,4%.

Tuy nhiên vào thời điểm quý 4/2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã ghi nhận đà giảm khi thị trường lớn nhất là Mỹ bắt đầu giảm cầu do giá nhà cao tại Mỹ đã ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà và nội thất gia đình. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam quý 4 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 3,6 tỷ USD.

Loại trừ Gỗ An Cường (ACG), biên lợi nhuận gộp cả ngành giảm 2 điểm phần trăm do các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ giảm giá bán trung bình trong quý 4/2022 khi nhu cầu yếu tại thị trường Mỹ và EU.

Lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp sản xuất gỗ trong nước như ACG, Lâm nghiệp Việt Nam (VIF) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý 4/2022 với lần lượt tăng 10,1% và 39% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này là nhờ giá bán cao hơn và tính kinh tế theo quy mô và việc ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết.

Sự giảm tốc về tăng trưởng lợi nhuận ròng lại ghi nhận tại nhóm doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong quý 4/2022, kéo theo lợi ròng của ngành gỗ và sản phẩm gỗ trong quý giảm 15,5%. Trong đó, lợi nhuận ròng của Phú Tài (PTB) và Savimex (SAV) giảm đáng kể, lần lượt là 39,6% và 23,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đọc tiếp