Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá phát triển hệ thống đường sắt đô thị

ĐƯỜNG SẮT Việt nAM
19:09 - 17/01/2024
Ảnh minh họa: Báo Giao thông.
Ảnh minh họa: Báo Giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 17/1, UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về "Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM", cùng sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực đường sắt đô thị trên thế giới.

Hệ thống đường sắt đô thị là trục "xương sống"

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội và TP HCM là 2 đô thị đặc biệt, 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, an ninh quốc phòng và cũng là 2 đô thị có diện tích và dân số lớn nhất cả nước.

Cùng với xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục "xương sống" của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.

Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội thảo. Nguồn: VGP.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội thảo. Nguồn: VGP.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thời gian vừa qua, TP Hà Nội và TP HCM đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của người dân 2 thành phố.

Chia sẻ về những lợi ích to lớn của việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD, giáo sư Vũ Minh Khương, Học viện Hành chính công Lý Quang Diệu cho hay, đó là tăng hiệu quả và tính tinh gọn trong phát triển đô thị, giảm sự bức bách phải mở rộng đô thị một cách tràn lan thụ động; giảm rõ rệt chi phí đầu tư hạ tầng, tăng nhu cầu, hiệu quả và nguồn thu cho vận tải công cộng.

Đồng thời, giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm khí thải; tăng năng suất xã hội khi giảm chi phí của người dân cho việc đi lại hàng ngày; tăng cơ hội việc làm, tăng giá trị của bất động sản và cảnh quan đô thị; tăng hiệu quả ngành thương mại bán lẻ và dịch vụ thông qua phát triển các trung tâm mua sắm và dịch vụ xung quanh các nhà ga.

Ông Khương cũng nhìn nhận, việc không chú trọng đặc biệt vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị sẽ gây tổn thất rất lớn và không ngừng tăng.

"Tổn thất trực tiếp là tốn phí thời gian di chuyển, chi phí tiêu hao nhiên liệu, phát thải CO2... kéo theo sức khỏe và lòng tin của người dân giảm sút", ông Khương nói.

Ông Khương cho biết, theo ước tính của Forbes, tắc nghẽn giao thông mỗi năm gây thiệt hại tối thiểu lên đến 2-3 tỷ USD với mỗi thành phố Hà Nội và TP HCM.

Cần có những cơ chế, chính sách đột phá

Ngay sau phiên khai mạc, hội thảo đã diễn ra chuyên đề "Tổng quan phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP HCM theo mô hình TOD".

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng, để thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị 400km vào năm 2035, cần có những cơ chế, chính sách đột phá thuộc các lĩnh vực quy hoạch, bồi thường và thu hồi đất, nguồn lực tài chính, trình tự, thủ tục, đầu tư, xây dựng, khung tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị, mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân nhân lực...

Sơ đồ mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội theo quy hoạch. Nguồn: MRB.

Sơ đồ mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội theo quy hoạch. Nguồn: MRB.

Trong đó, vị chuyên gia đề cập đến một số cơ chế cụ thể như phân cấp, ủy quyền cho TP Hà Nội và TP HCM được ban hành các tiêu chí và tiêu chuẩn về đô thị riêng; trình tự thủ tục riêng liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị.

Về nguồn lực tài chính để thực hiện dự án, ông Đông chỉ ra rằng, hiện nay, ước tính cần khoảng 20-25 tỷ USD để hoàn thành xây dựng 200km đường sắt đô thị ngầm hoàn toàn, chưa kể chi phí đền bù giải phóng mặt bằng dự tính lấy từ tiền thu đấu giá quyền đầu tư dự án TOD, giảm 10 tỷ USD so với đơn giá của các dự án đã làm bằng nguồn vốn ODA hiện nay.

Do vậy, ông Đông đề xuất cần cho phép Hà Nội và TP HCM được giữ lại tiền thu từ đất để đầu tư trực tiếp cho dự án phát triển hệ thống Metro thông qua đấu giá quyền phát triển dự án khu đô thị TOD theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và các nguồn thu từ đất khác của mỗi thành phố.

Cho phép hai thành phố được phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn hợp pháp khác vượt khung trần nợ công áp dụng cho thành phố theo từng năm và trong cả giai đoạn đến năm 2035 để đảm bảo đủ nguồn vốn cần thiết cho dự án phát triển hệ thống metro 200km.

Đồng thời, dành 1 tỷ USD "vốn mồi", trong đó 50% ngân sách thành phố và 50% sử dụng ngân sách hỗ trợ của Trung ương, để thực hiện dự án thí điểm (cho một tuyến có chiều dài khoảng 10km) theo mô hình “sandbox”, áp dụng các cơ chế đặc thù nêu tại nghị quyết này để rút kinh nghiệm hoàn chỉnh cơ chế và luật hóa các cơ chế này để áp dụng cho toàn bộ dự án 200km.

Hội thảo "Hội thảo khoa học về Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM" diễn ra từ ngày 17-19/1/2024 tại Hà Nội gồm 4 phiên: Tổng quan phát triển đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP HCM theo mô hình TOD; Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD; Huy động nguồn lực từ đất đai; Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.