Xây dựng cơ chế đặc thù phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ

QUY HOẠCH Trung Bộ
13:45 - 13/01/2024
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ - Ảnh: MPI
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ - Ảnh: MPI
0:00 / 0:00
0:00
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ là xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Tại "Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ" tổ chức ngày 13/1, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã xác định phát triển vùng và liên kết phát triển vùng có vai trò đặc biệt quan trọng, liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 13/14 quy hoạch tỉnh trong vùng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2023, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã hoàn thành 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng.

Hai là, Chủ tịch Hội đồng đã ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng.

Ba là, Chủ tịch Hội đồng đã ban hành Quyết định về kế hoạch hoạt động các tháng cuối năm 2023.

Bốn là, đã tổ chức được 2 Hội nghị tại tỉnh Khánh Hòa để công bố quyết định thành lập Hội đồng điều phối, bàn về kế hoạch điều phối, liên kết vùng và Hội nghị tại TP Đà Nẵng để góp ý kiến về quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm là, đã thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của văn phòng Hội đồng Điều phối vùng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu, giúp việc Hội đồng điều phối vùng. Đồng thời, đến nay các Bộ, ngành và 14/14 địa phương trong vùng cũng đã thành lập Tổ điều phối cấp bộ và cấp tỉnh.

Sáu là, công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đẩy nhanh tiến độ.

Cả nước đến nay có 109/111 quy hoạch đã lập xong, đạt 98%; 103 quy hoạch đã được thẩm định; 6 quy hoạch đang trong quá trình thẩm định; đặc biệt là quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 18 Quy hoạch ngành quốc gia, 1 quy hoạch vùng và 52/63 quy hoạch tỉnh.

Vùng miền Trung 13/14 địa phương trong vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ đề ra. Về quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, hiện nay đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định đang hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bảy là, hội đồng điều phối vùng đã phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực. Điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan trọng.

Cả vùng năm 2023 thu hút được 183 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký 2,13 tỷ USD, nhân đây chúc mừng tỉnh Nghệ An đã thu hút đầu tư FDI đạt gần 1,4 tỷ USD, với 19 dự án đầu tư mới là địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh thành thu hút FDI hàng đầu cả nước, đứng đầu khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Cuối cùng, công tác điều phối, liên kết phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đạt kết quả cao, đã triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia trên địa bàn vùng.

Năm 2023, cả nước đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 475 km đường bộ cao tốc, trong đó vùng hoàn thành các đoạn cao tốc: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL.45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, tiếp tục khởi công dự án cao tốc chiến lược vùng đoạn Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Về hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác cảng hàng không Phú Bài. Về đường sắt, đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang; khởi công dự án Cải tạo nâng cấp đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP HCM (đoạn Hà Nội - Vinh, đoạn Vinh - Nha Trang). Về hàng hải, đường thủy nội địa, đã khởi công dự án Nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn.

"Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ" tổ chức ngày 13/1. Ảnh: MPI

"Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ" tổ chức ngày 13/1. Ảnh: MPI

Nhiệm vụ trọng tâm của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ năm 2024

Năm 2024, nhiều nhiệm vụ khó, nặng nề và quan trọng đang đặt ra, trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ của Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, bao gồm:

Một là, phải xác định được lộ trình triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu quy hoạch. Tất cả các khâu đều liên quan đến tư duy và tầm nhìn của các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện. Để quy hoạch thực sự là công cụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, các địa phương khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, gửi xin ý kiến các bộ, ngành trong tháng 3/2024, hoàn thiện và trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong tháng 4/2024 để triển khai thực hiện.

"Các địa phương trong xây dựng chính sách, cụ thể hóa giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh phải đặt lợi ích chung của đất nước, của vùng, của tỉnh lên trước; không vì tính cục bộ vào từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trên địa bàn tỉnh", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.

Hai là, trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, các địa phương cần phối hợp các Bộ, ngành để xác định ngay các dự án của địa phương có tính chất liên kết, phát triển liên quan đến ít nhất 2 địa phương trở lên. Đặc biệt là giao thông, hạ tầng kết nối và các dự án quan trọng đối với phát triển vùng các địa phương chủ động đề xuất các hoạt động hợp tác, điều phối chung.

Ba là, Xây dựng phương án cân đối nguồn lực thực hiện quy hoạch các nguồn vốn đầu tư ngân sách, huy động khác, … các địa phương chủ động đề xuất để Hội đồng vùng điều phối việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng.

Bốn là, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng tiếp theo trong năm 2024 là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế xã hội vùng. Đây là nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị.

"Đề nghị các đồng chí thành viên Hội đồng vùng khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá riêng có nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án đặt ra tại Quy hoạch vùng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2024", Bộ trưởng đề nghị.

Năm là, năm 2024 cơ hội thu hút đầu tư đối với các địa phương rất lớn, cần chủ động cụ thể hóa phương án quy hoạch, tạo mặt bằng sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đón dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương trong thu hút các dự án phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt.

Đọc tiếp