2021, Nông nghiệp Việt Nam “vượt khó” thành công

DOANH NGHIỆP Việt nAM
09:01 - 04/01/2022
2021, Nông nghiệp Việt Nam “vượt khó” thành công
0:00 / 0:00
0:00
Từ kế hoạch "vượt khó" của Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp nông nghiệp nước ta năm nay  vượt vũ môn thành công với giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 50 tỷ USD.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Trong 8 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp vẫn đáp ứng tốt về sản xuất và xuất khẩu với giá trị xuất khẩu ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, làn sóng dịch thứ 4 đã ảnh hưởng đến việc sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp nông nghiệp, khiến ngành nông nghiệp “chững lại”. Trong tháng 9 và tháng 10, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục ghi nhận đà giảm, lần lượt là 7,6% và 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), phần lớn doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng.

Với các ngành cần nhiều nhân công trực tiếp như thủy sản phải đối mặt với với chuỗi đứt gãy sản xuất. Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong thời điểm thực hiện “3 tại chỗ-3T”, các nhà máy đang sản xuất chỉ hoạt động được 30-40% do thiếu nhân lực.

Với những lao động tham gia “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải trả chi phí lớn hơn 50% mức lương thông thường, ngoài ra còn có tiền phụ thêm, chi phí ăn ở.

Một vấn đề nữa là thiếu nguyên phụ liệu. Ở khâu chế biến, nhiều nguyên phụ liệu như bao bì, nilon, máy hút chân không, nút chai, tem nhãn… các nhà máy đều cần nguồn cung cấp từ thành phố Hồ Chí Minh, trong khi đó thành phố lại vẫn đang thực hiện lệnh giãn cách. Bên cạnh đó, giá thủy sản giảm cũng gây áp lực lên doanh nghiệp khi giảm tới 15-20%.

Trong khi đó, chi phí của các doanh nghiệp sản xuất gỗ tăng khoảng 20-30%, khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực để chi trả các khoản vay đến hạn, tái đầu tư. Việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Với ngành chăn nuôi, ngoài việc đứt gãy chuỗi cung ứng, ngành còn phải đối mặt với giá nguyên vật liệu đầu tư đầu vào cao (tăng 16-36%). Trong khi đó giá sản phẩm đầu ra lại thấp, doanh nghiệp chỉ bán được 25-30% giá thành.

Có thời điểm giá thịt lợn hơi giảm xuống dưới 40.000 đồng/kg, còn thịt gà công nghiệp trắng khoảng 15.000-20.000 đồng/kg.

Mặt khác, nhu cầu sản phẩm chăn nuôi cũng giảm tới 30%. Nhu cầu và giá thành vừa giảm đã tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa và chi phí nguyên liệu đối với doanh nghiệp hàng xuất khẩu cũng tăng cao. Vấn đề logistic trở thành bài toán nan giải cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, chi phí vận tải biển thậm chí đã tăng cao lên 6-7 lần, ở một số nơi doanh nghiệp không đặt được tàu và container xuất khẩu còn tăng đến 10-13 lần.

Trung Quốc đóng biên khiến doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó khăn. Ảnh: minh họa.

Trung Quốc đóng biên khiến doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó khăn. Ảnh: minh họa.

Kế hoạch “vượt khó”, đưa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 50 tỷ USD

Đối mặt với thế khó của doanh nghiệp nông nghiệp và ngành Nông nghiệp, Chính phủ đã đề ra các chính sách, kế hoạch nhằm khắc phục khó khăn, tạo đường "sống" cho doanh nghiệp. Nhờ vậy tạo nên kỷ lục xuất khẩu cho ngành Nông nghiệp ngay trong cơn bão đại dịch.

Bộ NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động theo bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố; Song song với đó, là đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó tăng cường kết nối, phối hợp với các đơn vị viễn thông để hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử…; Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics... song song với các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại…; Và tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho kinh tế, sản xuất của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ còn xây dựng, triển khai các giải pháp thực hiện các phương án xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo thúc đẩy mở cửa thị trường với các nước như Peru, Australia...; chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu.

Theo đó, Bộ NN&PTNT tiến hành triển khai các chính sách đồng bộ khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến công nghệ cao, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô.

Trọng tâm là tổ chức thực hiện các Đề án như: Phát triển ngành chế biến rau, củ, quả giai đoạn 2021 - 2030; Phát triển ngành chế biến thủy hải sản giai đoạn 2021 - 2030; Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030...

Vượt "vũ môn"

Năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Trong đó nông sản đạt 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%. Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả… Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 2,63 tỷ USD; xuất khẩu gạo đạt gần 5,75 triệu tấn, trị giá 3,03 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%. Xuất siêu ngành lâm nghiệp năm nay ước đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thủy sản đạt trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; riêng xuất khẩu tôm đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng 3,4%.

Ngành chăn nuôi tiếp tục có dấu hiệu phục hồi khi xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt 434 triệu USD, tăng 2,1%.

Năm 2021, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (thêm một mặt hàng là thức ăn gia súc và nguyên liệu). Trong đó, có tới 06 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 14,81 tỷ USD; tôm ước đạt 3,85 tỷ USD; rau quả ước đạt 3,52 tỷ USD; hạt điều ước đạt 3,66 tỷ USD; gạo ước đạt 3,27 tỷ USD; cao su ước đạt 3,31 tỷ USD).

Trong lĩnh vực sản xuất, sản xuất rau màu trong năm nay đạt khoảng 1,12 triệu ha với sản lượng đạt 18,6 triệu tấn, tăng 325.000 tấn so với năm 2020. Một số cây ăn quả chủ lực tăng từ 5-19% về sản lượng so với năm 2020.

Với ngành chăn nuôi, sản lượng thịt các loại đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2020; sữa tươi đạt 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; trứng 17,5 tỷ quả, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản năm nay đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn, tăng 0,9%, nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1,1%.

Từ việc thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, ngành lâm nghiệp đã nâng diện tích trồng rừng mới lên 278.000 ha và 120 triệu cây phân tán, thu dịch vụ môi trường rừng 3.100 tỷ đồng. Ngoài ra, khai thác gỗ đạt khoảng 32 triệu m3 gỗ, đạt 100% kế hoạch của năm.

Để đạt được kết quả như vậy, đó là sự nỗ lực từ phía Chính phủ và toàn ngành Nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi. Khó khăn từ đại dịch buộc doanh nghiệp đứng giữa làn ranh "đi tiếp" hoặc "dừng lại". Nếu "đi tiếp", doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn chồng chất khó khăn trong cơn bão đại dịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp