Nhân lực là chìa khóa để nông nghiệp ĐBSCL phát triển

nhân lực ĐBSCL
21:43 - 17/12/2021
Tỷ lệ tăng dân số cả vùng ĐBSCL gần như bằng không, dân số vùng trong 2 năm qua giảm 0,3%.
Tỷ lệ tăng dân số cả vùng ĐBSCL gần như bằng không, dân số vùng trong 2 năm qua giảm 0,3%.
0:00 / 0:00
0:00
Đảm bảo việc làm và nguồn thu nhập là hai yếu tố giúp Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tháo gỡ được những khó khăn cho nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đảm bảo phát triển kinh tế vùng.

Thiếu nhân công nông nghiệp trầm trọng

Những ý kiến giải quyết bài toán nhân lực cho việc phát triển kinh tế vùng đúng với tiềm năng được nhiều chuyên gia thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect về phục hồi kinh tế và phát triển trong bình thường mới ngày 17/12. Trong đó, tiến sỹ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam cho biết, tỷ lệ tăng dân số cả vùng ĐBSCL gần như bằng không, dân số vùng trong hai năm qua giảm 0,3%.

“Dân số ĐBSCL là 17,3 triệu người, đây là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất cả nước nhưng tỷ lệ xuất cư lại ở mức cao nhất. Điều này dẫn tới sự thiếu nhân công nông nghiệp trầm trọng. Thanh niên và những người trong độ tuổi lao động đã bỏ quê đến các thành phố lớn hoặc di cư sang biên giới nước khác. Khu vực này thiếu lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao”, TS. Quân thông tin.

Từ những con số ước tính thiệt hại kinh tế của Việt Nam do COVID-19 trong năm 2020 với 160.000 tỷ đồng tăng lên 346.000 nghìn tỷ USD vào năm 2021, ông Quân nhìn nhận, khu vực ĐBSCL cũng không nằm ngoài sự thiệt hại này và đang gặp khó khăn trong việc phục hồi kinh tế vì thiếu nhân lực.

Ảnh tác giả

"ĐBSCL là một vùng đất có nhiều tiềm năng về sản lượng lúa, cây ăn quả và thủy sản, riêng gạo chiếm đến 90% sản lượng xuất khẩu gạo cả nước nhưng còn nhiều thiệt thòi, nhất trong các khu vực về sự đầu tư về nguồn nhân lực".

TS. Nguyễn Quân

Đồng tình với ý kiến của ông Quân, Tiến sỹ Phan Thanh Bình, Nguyên Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất để phát triển ĐBSCL chính là thiếu nhân lực. Theo ông Bình, hai vấn đề đang đè nặng lên khu vực là phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. “Làm giàu bằng nông nghiệp là không dễ. Dù biết lúa, cá tôm, cây ăn trái là thế mạnh của vùng nhưng làm sao để tăng hiệu quả. Diện tích lúa bao nhiêu là đủ, làm sao cân bằng giữa diện tích và năng suất, nông nghiệp và công nghiệp”, ông nói thêm.

Ảnh tác giả

“Chúng ta mới chỉ nghĩ đến lúa gạo, trái cây, thủy sản mà chưa chú trọng đến kinh tế biển chưa khai thác hết tiềm năng, hiệu quả kinh tế thiếu sót ở điểm này. Cùng với những hậu quả của biến đổi khí hậu có thể đe dọa sự tồn tại của ĐBSCL bất cứ lúc nào. Hai vấn đề này đều cần nguồn nhân lực để giải quyết”.

TS. Phan Thanh Bình, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Kết nối doanh nghiệp và đào tạo là chìa khóa giải bài toán nhân lực

Một trong những giải pháp hàng đầu để giải quyết “bài toán” nguồn nhân lực nông nghiệp cho ĐBSCL được các diễn giả cùng thống nhất đó là cần có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Thạc sỹ Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing, Đại học Kinh tế đề cập đến yêu cầu cần chú ý những khoảng trống đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Nghĩa cho biết, Đại học Kinh tế có khoảng 20% sinh viên đến từ vùng Mekong và định hướng của nhà trường là phát triển mối quan hệ giữa doanh nghiệp và những sinh viên này. Có 4 nhóm ngành có thể đào phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp cho vùng được ông Nghĩa liệt kê ra, gồm: nhóm ngành công nghệ sinh học dành cho nông nghiệp; đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kinh doanh quốc tế; nhóm ngành logisitics và chuỗi cung ứng.

Song song với việc đào tạo các nhóm ngành này, giảng viên Đại học Kinh tế cũng cho rằng, cần xác định mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là yếu tố quyết định sự thành công của các chương trình đào tạo. “Nhà nước và doanh nghiệp sẽ là những người đem lại cơ hội cho sinh viên. Phải có chiến lược nhân lực đúng để thu hút lao động chất lượng cao tham gia vào ngành và cống hiến cho nông nghiệp ĐBSCL”, ông Nghĩa nói.

Phiên thảo luận “Nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và Đồng bằng Sông Cửu Long” chiều 17/12

Phiên thảo luận “Nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và Đồng bằng Sông Cửu Long” chiều 17/12

Dưới góc độ của một doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhân lực, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet cũng cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực cần có sự kết nối chặt chẽ giữa sinh viên và doanh nghiệp đầu ra.

“Các cơ sở đào tạo cần có dự báo nguồn lực và đào tạo theo đúng nhu cầu doanh nghiệp trên địa phương đang cần. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ nắm được dự báo này mà lên kế hoạch sản xuất, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo sử dụng triệt để nguồn nhân lực”, Tổng Giám đốc Talentnet nói.

Bên cạnh đó, việc tạo ra các dự án trọng điểm thu hút người tài bằng cách khiến họ cảm nhận được vai trò, tầm quan trọng cũng là yếu tố cần chú ý. Đi cùng với chế độ an sinh xã, tiền lương, các khoản phúc lợi để hấp dẫn người lao động chất lượng cao trở về cống hiến cho quê hương.

Muốn thu hút nhân lực cần đảm bảo nguồn thu nhập

Đưa ra những phân tích thực tế từ địa phương, ông Trần Thái Nguyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cần Thơ cho biết, nếu lợi thế của ĐBSCL chỉ là trồng lúa thì có thể khẳng định trồng lúa “muôn đời nghèo”.

“Hiện nay, trung bình một hộ nông dân ở ĐBSCL 4 người sẽ có khoảng 0,7 – 1 ha đất canh tác. Một năm có canh tác 3 vụ lúa sẽ có khoảng 18 tấn. Với giá lúa Cần Thơ đang dao động khoảng 5.500 đồng/kg thì với 1 kg nông dân sẽ lời được 2.000 đồng và 18 tấn thì lời được 36.000.000 chia cho 4 người, thu nhập không đáng là bao”, ông Nguyên phân tích.

“Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL cần có một chiến lược rõ ràng, đặt mục tiêu gì cho 17,3 triệu dân thì cần mạnh dạn khai thác lợi thế theo hướng đó. Nếu đẩy mạnh nông nghiệp thì cần cần có chiến lược cho nguồn nhân lực như thế nào”, ông Nguyên bày tỏ tâm tư.

Ông Trần Thái Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cần Thơ: "Nếu lợi thế của ĐBSCL chỉ là trồng lúa thì có thể khẳng định trồng lúa muôn đời nghèo"

Ông Trần Thái Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cần Thơ: "Nếu lợi thế của ĐBSCL chỉ là trồng lúa thì có thể khẳng định trồng lúa muôn đời nghèo"

Cho rằng trình độ lao động còn thấp không đáp ứng được yêu cầu phát triển của Đồng bằng Sông Cửu Long với những tiềm năng vốn có, TS. Nguyễn Thanh Bình lại ra lý do xuất phát từ thu nhập của nông dân vùng ĐBSCL thấp (54 triệu đồng/người/năm), thấp hơn mức thu nhập trung bình cả nước (64 triệu đồng/người/năm)

“Việc không thể đảm bảo thu nhập và mức sống chính là lý do họ di cư bỏ vùng tới các thành phố, tỉnh có kinh tế phát triển, thu nhập cao”, ông Bình chỉ ra.

“Đặc thù của người dân ĐBSCL là ham cái mới, sự sáng tạo, cách làm đổi mới nhưng rất chú trọng những giá trị thực tế. Do vậy, họ sẽ không có khái niệm học bằng tiến sĩ mà quan tâm nhiều hơn đến kết quả thu được. Cần phải hiểu đặc trưng của vùng để đưa ra biện pháp giải quyết hiệu quả”, TS. Nguyễn Thanh Bình đưa ra định hướng để cải thiện nguồn nhân lực nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp