3 chân kiềng thúc đẩy tự do kinh doanh

KINH DOANH Việt nAM
22:25 - 06/12/2022
Ts. Nguyễn Đình Cung
Ts. Nguyễn Đình Cung
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thúc đẩy tự do kinh doanh, nâng cao độ an toàn kinh doanh là yêu cầu cấp bách. Trong đó, 3 chân kiềng quan trọng là ổn định môi trường vĩ mô, cải cách thể chế và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ngày 6/12, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường".

Tự do kinh doanh và hiệu quả thị trường

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội cho rằng, từ năm 2014, cùng với sự ra đời của Nghị quyết 19/NQ-CP, nay là Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách quan trọng, thường xuyên.

Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được cải thiện đáng kể. Trong đó, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thay đổi vượt bậc, xếp thứ 78 năm 2014 lên vị trí 69 năm 2019; chỉ số tự do kinh tế năm 2022 cũng tăng 6 bậc từ vị trí 84 từ vị trí 90.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Anh Thu, ở thời điểm hiện tại, khi các bất ổn toàn cầu đe dọa nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu thì sự phục hồi tăng trưởng và hiệu quả thị trường của Việt Nam cũng đang gặp thách thức.

"Đây là thời điểm rất quan trọng để đánh giá lại các thách thức toàn cầu và khu vực châu Á nói chung và đối với quyền tự do kinh doanh, các cải cách thể chế của Việt Nam nói riêng, Bởi lẽ, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải đối mặt với các thách thức trước mắt mà lâu dài, cần xây dựng một thể chế bền vững, một môi trường kinh doanh thuận lợi, tự lực tự cường", PGS. TS Nguyễn Anh Thu nhìn nhận.

Đồng quan điểm, trong khuôn khổ hội thảo, ông Fred McMahon - Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada) khẳng định, tự do kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tự do kinh doanh gắn liền với xã hội lành mạnh hơn, môi trường trong sạch hơn, GDP bình quân đầu người cao hơn, phát triển con người, xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Fred McMahon, thực tế, trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã từng bước hình thành những điều kiện cần thiết để tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

3 chân kiềng thúc đẩy tự do kinh doanh ảnh 1

Muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, bền vững hơn, không còn cách nào khác là Việt Nam cần phải tập trung cải cách kinh tế, cải cách thị trường. Thúc đẩy tự do kinh doanh đóng vai trò quan trọng, từ đó sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Ông Fred McMahon - Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada)

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó khăn hơn cả 10 năm trước khi cầu nhập khẩu thu hẹp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, chi phí kinh doanh tăng lên.

Lý giải rõ hơn, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cầu bên ngoài suy giảm mạnh. Chỉ số PMI của Việt Nam tháng 11 chỉ đạt 47,4 điểm so với 50,6 điểm của tháng 10. Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất đã giảm lần đầu tiên trong 14 tháng, phản ánh nhu cầu trên thị trường quốc tế đang yếu đi.

Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tiếp tục phục hồi nhưng với tốc độ tăng có xu hướng chậm lại so với các tháng trước đó trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Trong khi đó, tất cả chi phí đầu vào đều tăng cao hơn tốc độ tăng CPI, tiếp cận vốn khó khăn.

Ba chân kiềng thúc đẩy tự do kinh doanh, nâng cao hiệu quả thị trường

Kiến nghị giải pháp thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường, TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận 3 chân kiềng đã hình thành trong điều hành kinh tế - xã hội, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô như một yếu tố không thể thiếu; cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chân kiềng thứ nhất, TS Cung cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát phục hồi kinh tế, tăng trưởng nhanh, bền vững và giải quyết vấn đề xã hội vẫn là mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô cần linh hoạt, không quá cứng nhắc.

"Các yếu tố tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua phần lớn đến từ bên ngoài, không kiểm soát được, nên cần điều hành theo tín hiệu thị trường", chuyên gia nêu quan điểm.

Chân kiềng thứ hai, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh đủ mạnh, nhất quán, theo thị trường và nâng cao hơn hiệu quả quản trị quốc gia và hiệu lực quản trị Nhà nước.

"Đây là điều đã được đề cập rất đầy đủ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, nhấn mạnh, cải cách thể chế là một trong những đột phá chiến lược. Trong đó, trọng tâm của cải cách thể chế đã thay đổi. Nếu như trước đây 10 năm, cải cách thể chế trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thì trong 10 năm sắp tới trọng tâm phải là phát triển các thị trường nhân tố sản xuất để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn là đảm bảo quyền tự do kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ. Đây là thay đổi trọng tâm rất phù hợp", TS Cung nhìn nhận.

Bên cạnh đó, theo ông Cung, cần hoá giải nỗi sợ của các cán bộ địa phương, nhà đầu tư, sợ trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra, xoá bỏ tâm lý "làm ít tốt hơn làm nhiều, không làm tốt hơn làm".

Đương nhiên, việc đầu tiên nên làm là "ai không làm, không muốn làm, không làm được thì đứng sang một bên, để cho người khác làm" như chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, về lâu dài, cần chủ động, thường xuyên kết nối với các địa phương, nhà thầu, nhà đầu tư, lắng nghe các kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, từ đó, lấy niềm tin và thúc đẩy phối hợp mạnh mẽ, hiệu quả.

Chân kiềng thứ ba, theo TS. Nguyễn Đình Cung, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tận dụng tốt lợi thế từ 15 FTA đã tham gia ký kết.

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.