5 hiệp hội kiến nghị TP Hải Phòng dừng thu phí hạ tầng cảng biển

hải phòng cảng biển
09:35 - 28/07/2022
Tăng trưởng hàng thông qua cảng biển Hải Phòng bị giảm một nửa sau khi thu phí. Ảnh: TTXVN.
Tăng trưởng hàng thông qua cảng biển Hải Phòng bị giảm một nửa sau khi thu phí. Ảnh: TTXVN.
0:00 / 0:00
0:00
Theo các hiệp hội, trong khi các tỉnh khác đang có nhiều hỗ trợ bằng tiền mặt cho doanh nghiệp để khuyến khích vận tải đường thủy thì việc Hải Phòng vẫn giữ mức thu là chưa phù hợp.

5 hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam vừa đồng ký tên vào công văn gửi HĐND và UBND TP. Hải Phòng kiến nghị, không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.

5 hiệp hội đã đưa ra những căn cứ lý do để kiến nghị Hải Phòng dừng thu phí.

Trong đó, các hiệp hội cho rằng việc thu phí đã khiến sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng giảm đi 50%.

Từ thực tế, việc TP. Hải Phòng thu phí cơ sở hạ tầng đã làm giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển, mất lợi thế là cảng biển trung chuyển của khu vực.

Trước khi thu phí, từ năm 2012 - 2017, tốc độ tăng trưởng hàng năm sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng đạt 7,8%/năm, Quảng Ninh đạt 3,5%/năm. Sau khi thu phí từ năm 2017 - 2020, tăng trưởng hàng thông qua cảng biển Hải Phòng bị giảm một nửa, chỉ còn 3,9%/năm, trong khi đó cảng biển Quảng Ninh tăng hơn 4 lần đạt 15,3%/năm.

Theo các Hiệp hội, việc nộp phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ liên quan có hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, làm hạn chế năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và làm tăng chi phí logistics đang ở mức cao.

Các Hiệp hội đặt vấn đề “đối tượng áp dụng đã đúng và phù hợp hay chưa đối với vận tải đường thủy nội địa"?

Dẫn số thu của Hải Phòng từ khoản phí này với phương thức vận tải thủy nội địa lần lượt là 59,8 tỷ đồng, 51,3 tỷ đồng, 57,1 tỷ đồng, 64 tỷ đồng và 66 tỷ đồng qua các năm từ 2017 - 2021, 5 Hiệp hội cho rằng, số thu này là quá nhỏ so với nguồn thu trung bình 1.500 tỷ đồng/năm của Hải Phòng, nhưng lại rất lớn và có ý nghĩa đối với ngành vận tải thủy nội địa, ngành góp phần hiệu quả vào việc chuyển đổi cơ cấu vận tải, giảm tải cho vận tải đường bộ đi và đến Hải Phòng, giảm khí thải ô nhiễm môi trường và giảm tai nạn giao thông đường bộ đang ở mức báo động.

Bên cạnh đó, sau thời kỳ Covid-19 khó khăn, 5 Hiệp hội chỉ ra nhiều địa phương đang hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp để khuyến khích phát triển vận tải biển.

Dưới tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí logistics, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất nhập khẩu, các Hiệp hội cho rằng, cần xem xét lại việc thu phí này ở Hải phòng khi các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh lại đang có chính sách tài trợ cho doanh nghiệp.

Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến cập cảng, cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container qua cảng Vũng Áng và trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng này với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng.

Còn với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Vũng Áng; Hay có hàng hóa được vận chuyển bằng container qua cảng này (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh); Và mở tờ khai tại các Chi cục thuộc Cục Hải quan Hà Tĩnh, thì sẽ được tỉnh này hỗ trợ mức: 700 nghìn đồng/container 20 feet, 1 triệu đồng/container từ 40 feet trở lên.

Tỉnh Thanh Hóa cũng có chính sách hỗ trợ hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn với số tiền là 200 triệu đồng/chuyến.

Ngoài ra, chỉ sau 4 tháng thực hiện việc thu loại phí trên, TP. HCM cũng đã thực hiện miễn, giảm phí cho hàng hóa được vận chuyển vào cảng và rời cảng này bằng phương tiện thủy nội địa từ ngày 1/8/2022.

Công văn kiến nghị của 5 Hiệp hội nêu rõ: "Kiến nghị TP. Hải Phòng miễn thu phí theo Nghị quyết 148 Quy định về phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa, từ tháng 8/2022".

Đồng thời, các hiệp hội đề nghị xem xét việc miễn, giảm phí cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển theo Nghị quyết trên.

Công văn kiến nghị của 5 Hiệp hội.

Công văn kiến nghị của 5 Hiệp hội.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có công văn gửi HĐND, UBND TP. Hải Phòng về việc miễn phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển.

Công văn nêu rõ các doanh nghiệp và Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, việc thu phí này là chưa hợp lý, chưa đúng đối tượng; Đồng thời tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, nảy sinh tình trạng phí chồng phí, giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải đường thủy.

Tỷ lệ đảm nhận của vận tải container bằng đường thủy nội địa tại các cảng biển vẫn còn hạn chế, nhất là khu vực cảng biển Hải Phòng chỉ khoảng 1,5% - 1,8%; Khu vực cảng biển TP.HCM đạt 10 - 11%. Trong khi đó, tại khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu tỷ lệ này đạt 70 - 80% nhờ việc hàng hóa không bị thu phí.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.