500 tỷ phú thế giới kiếm 1.000 tỷ USD trong năm 2021

tài sản THẾ GIỚI
10:54 - 06/01/2022
Giới siêu giàu trên thế giới chứng khiến khối lượng tài sản gia tăng đáng kể trong năm 2021. Ảnh: Reuters
Giới siêu giàu trên thế giới chứng khiến khối lượng tài sản gia tăng đáng kể trong năm 2021. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, 2021 là năm khởi sắc của tầng lớp giàu nhất thế giới khi tổng tài sản ròng của họ tăng thêm 1.000 tỷ USD.

Theo xếp hạng Bloomberg's Billionaires Index, tổng tài sản của 500 người giàu nhất thế giới tăng thêm 1.000 tỷ USD vào năm ngoái.

Trong đó, Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã “bỏ túi” gần 118 tỷ USD chỉ trong vòng 12 tháng. Những tỷ phú khác cũng chứng kiến khối tài sản tăng mạnh gồm “ông trùm” thương hiệu xa xỉ Pháp - Bernard Arnault (tăng 62,7 tỷ USD), hai đồng sáng lập công cụ tìm kiếm trực tuyến Google là Larry Page và Sergey Brin (tăng lần lượt 47 tỷ USD và 45 tỷ USD). Năm qua dù có nhiều biến động lớn đối với nhà sáng lập kiêm CEO của Facebook Mark Zuckerberg nhưng tài sản của ông cũng tăng 25 tỷ USD.

Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã kiếm được gần 118 tỷ USD chỉ trong 12 tháng qua. Ảnh: CNN

Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã kiếm được gần 118 tỷ USD chỉ trong 12 tháng qua. Ảnh: CNN

Dù đại dịch hoành hành, 2021 vẫn thực sự là một năm ăn nên làm ra đối với tầng lớp giàu đứng đầu trên thế giới. Đáng chú ý, tất cả 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đều khép lại năm cũ với khối tài sản trên 100 tỷ USD.

Với tầng lớp lao động, 2021 là năm khởi sắc của nhiều người khi họ được tăng lương hậu hĩnh hơn. Tuy nhiên, nhóm giàu nhất chiếm 0,001% dân số thế giới lại còn thịnh vượng nhanh hơn. Điều này cho thấy sự chênh lệch giàu nghèo giữa người lao động và lãnh đạo điều hành, cổ đông trong công ty. Mặc dù vậy, ước tính có khoảng 150 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo trong năm qua, một phần do sự ảnh hưởng kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19.

Với các tỷ phú, sàn giao dịch Phố Wall và các sàn chung trên thế giới đã vượt qua được những lo ngại về lạm phát, những nút thắt trong chuỗi cung ứng và các biến chủng mới xuất hiện của Covid-19 để giữ cho thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm mạnh.

Ngoài ra, những người giàu đã được hưởng lợi từ FED, khi ngân hàng trung ương Mỹ bơm hàng chục tỷ USD vào thị trường tài chính mỗi tháng với mức lãi suất gần bằng 0. Chính sách tài chính siêu lỏng lẻo này nhằm kích thích kinh tế sau cú sốc Covid-19 trong năm 2020, nhưng cũng giúp tạo ra cơn sốt chứng khoán.

Với giá cổ phiếu không ngừng đi lên, tài sản của các tỷ phú giàu nhất thế giới – vốn chủ yếu nằm trong cổ phần của công ty mà họ nắm quyền kiểm soát – tăng mạnh theo. Năm 2021, chỉ số S&P 500 đã tăng gần 27%, trong khi Dow Jones và Nasdaq tăng lần lượt khoảng 19% và 21%.

Bên cạnh đó, định giá của nhiều tài sản khác như tiền kỹ thuật số, hàng hóa nguyên liệu cơ bản và bất động sản cũng tăng mạnh, tiếp tục củng cố tài sản của giới giàu có.

Theo Bloomberg, tổng giá trị tài sản ròng của 500 tỷ phú giàu nhất hiện vượt mức 8.400 tỷ USD. Con số này nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc.

Chính trị Mỹ tiếp tục nóng với chủ đề chênh lệch giàu nghèo gia tăng giữa người giàu nhất và người nghèo nhất. Các nghị sỹ của Đảng Dân chủ lập luận rằng số tài sản tăng thêm của giới tỷ phú Mỹ trong 2 năm qua cũng đủ để trang trải cho kế hoạch hạ tầng xã hội của Tổng thống Joe Biden.

Đề xuất về một loại thuế đánh vào các tỷ phú giàu nhất như Elon Musk đã thất bại ngay sau khi được đưa ra do vấp phải sự phản đối của một số nghị sỹ cấp cao.

Giám đốc điều hành Tesla, người trong những năm gần đây đã trả ít hoặc không đóng thuế thu nhập và công ty xe điện trị giá hàng nghìn tỷ USD được xây dựng một phần dựa trên viện trợ của chính phủ, đã đặc biệt lên tiếng phản đối việc đánh thuế đối với những người giàu có. Tuy nhiên, gần đây, Musk đã phải bán ra số cổ phiếu Tesla trị giá hơn 10 tỷ USD để lấy tiền đóng thuế.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, tổng tài sản ròng của giới tỷ phú Mỹ đã tăng hơn 70%, đạt hơn 5.000 tỷ USD, theo một báo cáo của Americans for Tax Fairness (ATF) và Viện Nghiên cứu Chính sách về Bất bình đẳng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.