ACBS: Lạc quan về tăng trưởng kinh tế, GDP cả năm 2022 có thể đạt 8,5%

TĂNG TRƯỞNG Việt nAM
09:49 - 11/07/2022
ACBS: Lạc quan về tăng trưởng kinh tế, GDP cả năm 2022 có thể đạt 8,5%
0:00 / 0:00
0:00
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III, quý IV sẽ đạt mức cao, lần lượt là 14,7% và 6,8%. Do đó, GDP dự báo cho 6 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2022 sẽ lần lượt đạt 10,4% và 8,5%.

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự phục hồi trong quý II/2022 với tăng trưởng GDP đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng chính của GDP trong quý II/2022, ghi nhận mức tăng trưởng 8,56% cao nhất nhờ nới lỏng các biện pháp kiểm dịch COVID-19 và sự hồi phục mạnh mẽ các hoạt động dịch vụ. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp và xây dựng cũng tiếp tục hồi phục lại mức tăng trưởng trước dịch và ghi nhận tăng trưởng 8,87% trong quý II/2022.

Nhìn chung, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,78%; khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng 7,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,6% trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, trong báo cáo vĩ mô mới công bố, bộ phận nghiên cứu công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đã chỉ ra một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất. Theo Financial Times, các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất nhanh nhất trong đợt thắt chặt chính sách tiền tệ quy mô nhất trong hơn hai thập kỷ, với tổng cộng hơn 60 lần tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương khác nhau trong ba tháng qua.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị kéo dài tại Nga-Ukraine làm giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero COVID-19 với việc phong tỏa nghiêm ngặt làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt là vấn đề lạm phát đang gia tăng trên bình diện toàn cầu.

Song, bất chấp lo ngại về những sự kiện trên có thể làm chậm triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong những quý sắp tới, ACBS vẫn duy trì kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP trong hai quý cuối năm 2022 và nâng triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Trong đó, ACBS đưa ra hai kịch bản tăng trưởng những tháng cuối năm.

Ở kịch bản tích cực, bộ phận phân tích của Chứng khoán ACB giả thuyết rằng tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng và khu vực dịch vụ phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng trong quý III, IV với sự hỗ trợ của các hoạt giao thông vận tải vận hành bình thường và hoạt động du lịch quốc tế bùng nổ. Bên cạnh đó, giả định NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng mới trong quý III.

Với những giả định trên, ACBS kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III, quý IV sẽ đạt mức cao, lần lượt là 14,7% và 6,8%. Do đó, GDP dự báo cho 6 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2022 sẽ lần lượt đạt 10,4% và 8,5%.

Ở kịch bản kém lạc quan hơn, ACBS giả định tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục nhưng tăng trưởng chậm lại và khu vực dịch vụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng trong quý III, quý IV. Ngoài ra, giả định NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng mới trong quý IV.

Trong kịch bản này, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III và IV đạt lần lượt 10,4% và 4,5%. Do đó, tăng trưởng 6 tháng cuối năm có thể đạt mức 7,1% và cả năm đạt 6,8%.

Các chuyên gia của ACBS cũng lưu ý số liệu quý III theo cả hai kịch bản dự kiến sẽ tăng đặc biệt mạnh so với cùng kỳ năm ngoái vì quý III/2021 có tăng trưởng âm 6,17%.

Cũng tại báo cáo, ACBS lý giải nhiều cơ sở nâng triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Thứ nhất, khủng hoảng giá lương thực toàn cầu có thể là cơ hội cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam giành được thị phần xuất khẩu trên toàn cầu, đặc biệt là gạo và các sản phẩm thủy sản.

Thứ hai, tất cả các hoạt động công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng cùng với nhu cầu toàn cầu tăng cao sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư và xuất khẩu từ khu vực FDI.

Thứ ba, sự phục hồi của ngành dịch vụ sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng sẽ giúp phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phục hồi nhờ hoạt động tiêu dùng nội địa được cải thiện sau khi COVID-19 được kiểm soát, mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế và hoạt động vận chuyển hàng hóa được vận hành bình thường giúp thúc đẩy hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực FDI.

Thứ tư, gói kích thích kinh tế sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong các quý cuối năm 2022.

Về dự báo lạm phát. ACBS điều chỉnh nhẹ kỳ vọng CPI năm 2022 sẽ tăng trong khoảng 3,5% - 4,1% và vẫn nằm xung quanh mục tiêu 4% của Chính phủ.

Trong đó, nhóm chuyên gia kỳ vọng áp lực gia tăng lạm phát sẽ được bù trừ hoàn toàn hoặc một phần nhờ các yếu tố sau:

Thứ nhất, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là giá lương thực, sẽ ít biến động hơn do năng suất thịt heo đã phục hồi nhờ dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát và đàn lợn của Việt Nam dần hồi phục, và nguồn cung các loại lương thực, thực phẩm khác sẽ không bị gián đoạn do thiếu cung hoặc nhu cầu đột biến tăng mạnh hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc công suất sản xuất thấp.

Thứ hai, Giá dầu dự kiến sẽ ổn định xung quanh mốc hiện tại trong 6 tháng cuối năm 2022. Bên cạnh đó cũng kỳ vọng giá bán lẻ xăng đầu cũng sẽ ổn định trong 6 tháng cuối năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp