Agriseco: Cung tiền có thể quay trở lại trạng thái mở rộng trong năm 2023

TÍN DỤNG CHỨNG KHOÁN
11:55 - 05/12/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Với mục tiêu năm 2023 tăng trưởng GDP 6,5% và lạm phát 4,5%; cung tiền và room tín dụng dự báo có thể quay trở lại trạng thái mở rộng. Điều này sẽ hỗ trợ được vấn đề khó khăn thanh khoản cục bộ ở một số nhóm ngành, cũng như giúp cho thị trường chứng khoán.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô 11 tháng đầu năm 2022 phát hành đầu tháng 12, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm duy trì ổn định với một số điểm sáng từ tăng trưởng ở các nhóm bán lẻ tiêu dùng và dịch vụ hồi phục, vốn FDI thực hiện tăng cao, cán cân thương mại thặng dư.

Tuy nhiên tốc độ tăng đang chậm lại và dự kiến tăng trưởng quý 4 giảm tốc khi các chỉ báo dự báo sớm như PMI, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tiếp tục suy yếu. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên áp lực từ suy thoái kinh tế của các quốc gia lớn, diễn biến địa chính trị toàn cầu phức tạp có thể gây ra nhiều thách thức trong thời gian tới.

Lạm phát được kiểm soát tốt nhờ các biện pháp kiềm chế lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả của Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng cung tiền đang thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, cho thấy dòng tiền dư thừa đang bị thắt lại, giúp kiềm chế lạm phát; mặc dù vậy đã xuất hiện tình trạng khó khăn thanh khoản ở một số lĩnh vực, đặc biệt là nhóm bất động sản, xây dựng. Agriseco dự báo lạm phát năm 2022 đạt khoảng 3% - 3,5%, nằm trong ngưỡng mục tiêu của Chính phủ.

Cho năm 2023, nhóm phân tích kỳ vọng yếu tố đầu tư công sẽ là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng khi các động lực khác đang có dấu hiệu suy yếu. Xuất khẩu khó duy trì đà tăng trưởng khi các đối tác lớn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và thực tế đã thể hiện trong kết quả các tháng gần đây. Tiêu dùng tiếp tục hồi phục nhưng khó duy trì tăng trưởng như năm 2022, trong khi vốn đầu tư tư nhân có thể chững lại khi gặp khó khăn trong việc huy động vốn cũng như triển khai các dự án tiềm năng.

Áp lực lạm phát cũng có thể tăng cao trong năm 2023 khi sức cầu trong nước hồi phục hoàn toàn, trong khi nguồn cung có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí đẩy khi chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được khôi phục và tỷ giá đang gặp áp lực. Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân gói kích thích kinh tế và đầu tư công cũng có thể gây áp lực tới lạm phát trong năm tới.

Dòng tiền sẽ tìm đến nhóm ngành nào?

Theo Agriseco, năm 2022, Việt Nam đã gần như đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát dự kiến khá thấp so với mục tiêu 4%; đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh chuẩn bị cho các mục tiêu vĩ mô năm 2023. Với mục tiêu năm 2023 tăng trưởng GDP đạt 6,5% và lạm phát 4,5%; cung tiền và room tín dụng có thể quay trở lại trạng thái mở rộng sau khi đã được kiểm soát chặt chẽ từ đầu năm. Điều này sẽ hỗ trợ được vấn đề khó khăn thanh khoản cục bộ ở một số nhóm ngành, cũng như giúp thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại.

Việc duy trì đà tăng trưởng cao và lạm phát ở mức thấp giúp Việt Nam là điểm sáng trong khu vực cũng như toàn cầu để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, việc FED dự báo giảm tốc độ tăng lãi suất, áp lực tỷ giá chậm lại, nguồn cung USD gia tăng trong các tháng cuối năm và nửa đầu năm 2023 sẽ là các yếu tố tích cực cho kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc cũng như khu vực châu Âu từ sự kiện Nga – Ukraine vẫn đang diễn ra và Việt Nam có cơ hội thu hút dòng vốn dịch chuyển. Điều này tạo cơ hội dài hạn cho nhóm ngành khu công nghiệp và các ngành liên quan.

Kết quả kinh doanh quý 4/2022 của nhóm bán lẻ, dịch vụ có thể tăng trưởng mạnh mẽ trên nền tăng trưởng thấp của cùng kỳ năm 2021. Dòng tiền có thể tìm tới các ngành, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và tạo cơ hội tăng giá đối với các cổ phiếu nhóm ngành trên.

Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới khi có thể giúp nhiều ngành nghề liên quan hưởng lợi như xây dựng, bất động sản, ngân hàng…

Tuy nhiên cần lưu ý bên cạnh yếu tố tích cực trên thì các nhóm ngành khác nhau đều đang gặp khó khăn riêng, đặc biệt là ngành bất động sản. Vì vậy nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ cơ hội và rủi ro đối với từng ngành, mã cổ phiếu cụ thể trước khi giải ngân.

Mặt bằng định giá thị trường PE ở mức 10 lần, thấp hơn so với trung bình quá khứ và các nước trong khu vực cùng với tín hiệu mua ròng mạnh từ khối ngoại cho thấy triển vọng dài hạn cho thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong quá trình tạo đáy, công ty chứng khoán cho rằng đây là thời điểm phù hợp để tích lũy dần các khoản đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu đầu ngành có mức định giá P/E, P/B ở vùng thấp so với lịch sử, ưu tiên các doanh nghiệp không có tính chu kỳ hoặc đang được khối ngoại mua ròng.

Về mặt rủi ro, Agriseco lưu ý mặt bằng lãi suất đang tiếp tục tăng có thể khiến dòng tiền từ thị trường chứng khoán tiếp tục rút ra để chuyển đổi kênh đầu tư (đặc biệt dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân); đồng thời các doanh nghiệp có thể thận trọng hơn khi quyết định các dự án đầu tư mới ảnh hưởng tới tăng trưởng kết quả kinh doanh.

Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể ghi nhận kết quả chậm lại do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố tỷ giá cũng như việc sụt giảm sức cầu từ các thị trường đối tác chính. Đối với các doanh nghiệp hưởng lợi từ việc tăng trưởng xuất khẩu 2 năm qua có thể gặp trở ngại trong việc duy trì đà tăng trưởng. Đối với những cổ phiếu có tính chu kỳ, yếu tố định giá nên được đặt lên hàng đầu khi xem xét đầu tư.

Các yếu tố bất định trong và ngoài nước vẫn đang tiếp diễn như xung đột Nga – Ukraine, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, FED tăng lãi suất, lạm phát và suy thoái toàn cầu, áp lực thanh toán gốc lãi trái phiếu của các tổ chức phát hành. Các nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao hoặc nhóm cổ phiếu bất động sản có quy mô vay nợ lớn có thể gặp áp lực giảm điểm mạnh khi có các thông tin không thuận lợi được công bố.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ông Phạm Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc FPT.

Tập đoàn FPT 'đổi ghế' phó tổng giám đốc

Tập đoàn FPT (mã chứng khoán FPT) vừa có quyết định bổ nhiệm ông Phạm Minh Tuấn giữ vị trí Phó tổng giám đốc FPT từ ngày 13/3/2024. Ông tiếp tục kiêm nhiệm vai trò Tổng giám đốc FPT Software - công ty thành viên chủ chốt của FPT trong khối công nghệ.