Agriseco: Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng trên 7% hai quý cuối năm

TĂNG TRƯỞNG Việt nAM
08:17 - 15/08/2022
Agriseco: Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng trên 7% hai quý cuối năm
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo mới nhất của Agriseco nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam so với trước đây do triển vọng phục hồi mạnh mẽ ở các lĩnh vực so với trước dịch như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, xuất khẩu hàng hóa, du lịch.

Chứng khoán Agribank (Agriseco) vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư các tháng cuối năm 2022, trong đó nhận định 2 quý cuối năm đà tăng trưởng vẫn sẽ duy trì trên mức 7%, trong bối cảnh tăng trưởng từ mức thấp năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Agriseco cho rằng, điều này cũng phù hợp với xu hướng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về nửa cuối năm như đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ 6% - 6,5% trong năm nay là khả thi, trừ khi xuất hiện biến cố lớn ảnh hưởng mạnh tới các hoạt động thương mại.

Gần đây các tổ chức lớn liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc duy trì tốc độ tăng trưởng như trên là một dấu hiệu rất tích cực khi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mặc dù có nhiều thách thức trong các tháng cuối năm, các tổ chức này vẫn duy trì quan điểm dự báo tích cực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ kinh tế phục hồi nhanh khi tái mở cửa sau dịch.

"Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP so với trước đây do triển vọng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ ở các lĩnh vực so với trước dịch như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ; xuất khẩu hàng hóa, du lịch; và Việt Nam được các tổ chức kinh tế lớn nâng dự báo GDP cao nhất trong khu vực ASEAN", Agriseco đánh giá.

Trong khi đó về lạm phát, Agriseco dự báo áp lực nửa cuối năm khả năng tăng do chịu ảnh hưởng kép từ "chi phí đẩy" và "cầu kéo". Song, giá nhiên liệu thế giới và giá cả hàng hóa đang hạ nhiệt kỳ vọng.

"Đồng thời, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp điều tiết lạm phát như giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu; tiếp tục giảm tiền điện, nước và học phí sẽ giúp điều tiết lạm phát cả năm 2022 và đảm bảo mục tiêu dưới 4%", báo cáo nhận định.

Các đầu kéo chính của tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm

Hoạt động bán lẻ và du lịch nhiều tín hiệu phục hồi sau dịch: Báo cáo chỉ ra rằng tổng doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tháng 7 và 7 tháng đầu năm đều tăng trưởng cao so với mức nền thấp của năm trước, và cao hơn so với mức trước dịch.

Cụ thể, tháng 7 tổng mức bán lẻ và hàng hóa dịch vụ đạt 486.000 tỷ đồng, tăng 42% và 7 tháng đầu năm ước đạt 3.205,8 tỷ đồng, tăng 16%. Đáng chú ý, dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành hoạt động trở lại nhờ sự bùng nổ về du lịch đã mang lại kết quả kinh doanh khởi sắc.

Trong các tháng tới, các chuyên gia Agriseco cho biết, mảng tiêu dùng khả năng sẽ hồi phục nhờ sức cầu tiêu dùng hồi phục khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn; hoạt động lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng mạnh khi đường bay quốc tế được mở lại.

Bên cạnh đó, quá trình hồi phục có thể được đẩy nhanh với kỳ vọng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác động vào nửa cuối năm 2022, khi mới đây Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình.

"Tuy nhiên, quá trình phục hồi cũng cần lưu ý đến yếu tố lạm phát và chính sách Zero Covid của Trung Quốc có thể khiến nhu cầu tiêu dùng giảm đi", Agriseco Research lưu ý.

Tiềm năng thu hút dòng vốn FDI: Báo cáo cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký mới, góp vốn, mua cổ phần, điều chỉnh 7 tháng đầu năm đạt 15,54 tỷ USD, giảm gần 7%. Mặc dù vậy, vốn thực hiện có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại với tốc độ 10%. Điều này thể hiện nhu cầu đầu tư FDI vẫn lớn. Bình Dương tiếp tục thu hút vốn FDI lớn nhất và Singapore là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Dòng vốn FDI toàn cầu đang được Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo sẽ đi ngang hoặc giảm do những rủi ro khó lường từ đại dịch và cuộc xung đột dân sự.

Tuy nhiên, Agriseco Research dự báo trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá cao trong khu vực Đông Nam Á nhờ vị thế trên trường quốc tế và các yếu tố thuận lợi về vị trí - kinh tế - chính trị.

Trong đó Việt Nam có một số lợi thế như vị trí thuận lợi kết nối giao thương giữa các nước Đông Nam Á; chi phí nhân công cạnh tranh so với các quốc gia khác; hưởng lợi từ chiến tranh Mỹ - Trung và ít ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine; các chính sách đối ngoại tích cực của Việt Nam; chính sách ưu đãi thuế; chính sách kinh tế như đẩy mạnh đầu tư công, nối lại đường bay quốc tế...

Cán cân thương mại vẫn tiếp tục tăng trưởng

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 7 tháng đầu năm, cán cân thương mại xuất siêu, đạt 0,764 tỷ USD. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 19,83 tỷ USD và khối doanh nghiệp nội nhập siêu 19,07 tỷ USD. Nhìn chung tổng giá trị thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 16% và nhập khẩu tăng 14%.

Agriseco Research đánh giá cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư nhờ sự phục hồi của các thị trường quốc tế khi tái mở cửa kinh tế. Trong đó, các mặt hàng kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng này giai đoạn tới như nhóm thủy sản, cao su, hóa chất. Mặc dù vậy cần lưu ý đà giảm tốc kinh tế của các quốc gia đối tác của Việt Nam có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới với độ trễ nhất định.

Tin liên quan

Đọc tiếp