Angimex lên tiếng về việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp

CHỨNG KHOÁN AGM
22:14 - 18/09/2023
Angimex lên tiếng về việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) nhằm giải trình về việc chứng khoán AGM giảm sàn 5 phiên liên tiếp.

Theo công ty, nguyên nhân khiến giá cổ phiếu AGM giảm sàn 5 phiên liên tiếp là do ảnh hưởng từ thông tin HoSE đưa mã cổ phiếu AGM từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9 do công ty tiếp tục vi phạm về công bố thông tin, cụ thể là chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023, sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Đến thời điểm hiện tại, Angimex đã khắc phục hoàn tất các lỗi vi phạm trước ngày bị đình chỉ giao dịch, đồng thời báo cáo việc này cho UBCKNN, Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và HoSE để xem xét không đưa chứng khoán vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 18/9.

Angimex cho rằng, giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp là do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết của nhà đầu tư đối với cổ phiếu AGM nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, công ty không có sự tác động nào đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AGM đã chứng kiến một đà giảm sâu khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu sau khi HoSE thông báo đưa AGM vào diện đình chỉ giao dịch. Cổ phiếu đã có 3 phiên giảm liên tiếp với biên độ giảm dần. Sau đó, AGM đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ 11/9 - 15/9, đẩy giá cổ phiếu từ mức 9.300 đồng/cp xuống 6.280 đồng/cp vào phiên 15/9.

Cũng trong phiên 15/9, cổ phiếu AGM chứng kiến thanh khoản tăng vọt đạt hơn 22 tỷ đồng, với gần 3,5 triệu cổ phiếu được sang tay. Đây cũng là phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu trước khi bị đình chỉ giao dịch từ 18/9.

Về tình hình kinh doanh, Angimex ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm mạnh 86% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 322 tỷ đồng. Do doanh thu giảm mạnh và các loại chi phí vẫn ở mức cao, công ty lỗ ròng gần 57,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ gần 6,2 tỷ đồng. Như vậy, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ luỹ kế của Angimex đã lên tới 125,4 tỷ đồng và bằng 68,9% vốn điều lệ.

Trên bảng cân đối kế toán, tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của công ty đạt 1.495 tỷ đồng, giảm gần 5% so với con số đầu năm. Bên cạnh đó, tổng nợ vay của công ty đã giảm 4,9% so với đầu năm, xuống còn 1.151 tỷ đồng và bằng 77% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 907 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là gần 244 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023, đơn vị kiểm toán - công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt - đã nêu những yếu tố gây nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Angimex. Theo đó, mặc dù không không đưa ra ý kiến ngoại trừ nhưng Sao Việt lưu ý người đọc đến thuyết minh VIII.6 do Angimex đã phát sinh khoản lỗ lũy kế tại ngày 30/6 là hơn 125,4 tỷ đồng, và cũng tại ngày này, nợ phải trả ngắn hạn của Angimex lớn hơn tài sản ngắn hạn là 581,6 tỷ đồng, trong khi vào ngày 1/1/2023 nợ phải trả ngắn hạn của Angimex lớn hơn 244,9 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn.

Đơn vị kiểm toán giả định về hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào khả năng có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc lại các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác để tạo ra dòng tiền tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.