Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn TP Hải Phòng. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tham gia thảo luận tại hội trường sáng 4/11, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) bày tỏ tán thành với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chính phủ trong năm 2025 nhằm phát triển kinh tế xã hội, trong đó có giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, khả thi.
Đại biểu đóng góp ý kiến vào giải pháp này trong thực hiện mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030, được đặt ra theo Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị.
Theo ông, các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã thể chế mạnh mẽ chế định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật cho phép. Cộng đồng doanh nghiệp liên tục phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành lực lượng trung tân của nền kinh tế. Đến nay, có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
“Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thông thoáng hơn rất nhiều, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn than phiền về những rủi ro, khó khăn gặp phải ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp. Đó là các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn khó thực thi. Hệ quả là tạo ra nhiều rào cản như khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, phát sinh chi phí không chính thức, khiến doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí huỷ bỏ kế hoạch kinh doanh,” đại biểu phản ánh.
Nêu kiến nghị của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh nhiều sản phẩm, dịch vụ được áp dụng điều kiện kinh doanh quá mức cần thiết, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh, Nhà nước nên sử dụng các biện pháp quản lý khác như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp hoặc quy định các yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường, quy định nghĩa vụ doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình sản xuất kinh doanh...
Theo đại biểu, điều kiện kinh doanh là điều kiện ràng buộc và kiểm soát chủ thể kinh doanh. Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư thì công cụ, điều kiện kinh doanh chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất kinh doanh có thể tác động tiêu cực đến trật tự công.
“Tại kỳ họp thứ này, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật PCCC và cứu nạn cứu hộ. Điều này tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm, dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước. Đây chính là sự đổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa đảm bảo quản lý Nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để phát triển, quyết tâm bỏ tư duy không quản được thì cấm, phòng chống lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật,” ông Lã Thanh Tân nêu dẫn chứng để cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là có thể thực hiện được.
Vị đại biểu Đoàn Hải Phòng kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại và có biện pháp xử lý, tháo gỡ các rào cản. Cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; nghị định của Chính phủ; điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, cần có các giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá để tạo động lực khích lệ doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp.
Tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương. |
Cũng quan tâm đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát). Theo đại biểu, đây là một con số rất lớn. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp.
“Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học, nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, bà Nga nêu trăn trở.
Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp…
Đại biểu phản ánh, hiện nay theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định đầy đủ các bước để xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định được đăng tải công khai trên các cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, hiệu quả của công việc này chưa cao. Có những cổng thông tin của các Bộ, ngành rất ít người dân truy cập để ý kiến, phản hồi về dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đại biểu, một trong những lý do là hình thức xin ý kiến còn rất hàn lâm, chỉ đăng đầy đủ toàn văn dự thảo nội dung xin ý kiến chỉ tập trung vào một số vấn đề, nhất là các luật, văn bản sửa đổi quy định hiện hành. Trong khi đó, điều người dân quan tâm là sự phân tích sâu, kỹ, ngắn gọn những thay đổi, bổ sung, nguyên nhân cũng như lợi ích, tác dụng của việc thay đổi.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc xây dựng các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công; việc thành lập và hoạt động của các trung tâm phục vụ hành chính công. Tuy nhiên ông phản ánh, việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp, trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ Trung ương đến địa phương; thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc các quy định, nguyên tắc và thực hiện thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.