Bà Phạm Chi Lan: 'Không thể cứ thấy vốn FDI vào là thích'

FDI Việt nAM
09:58 - 04/02/2022
Bà Phạm Chi Lan: 'Không thể cứ thấy vốn FDI vào là thích'
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI vào Việt Nam tính đến 20/1/2022, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các dự án đăng ký cấp mới giảm 70,7% về số vốn và tăng 119,1% về số dự án.

2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2022

Theo Tổng cục Thống kê, trong số 2,1 tỷ USD tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2022, riêng vốn FDI đăng ký cấp mới là 388 triệu USD cho 103 dự án, giảm 70,7% về số vốn và tăng 119,1% về dự án so với cùng kỳ 2021.

Trong đó, xét theo cơ cấu ngành, vốn đăng ký cấp mới vẫn chủ yếu rót vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (233 triệu USD, chiếm 60,1% tổng vốn đăng ký cấp mới). Ngoài ra, vốn vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 111,5 triệu USD (28,7%) và các ngành còn lại đạt 43,5 triệu USD (11,2%).

Xét theo vùng địa lý, trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới vào Việt Nam trong tháng 1, Singapore vẫn dẫn đầu về số vốn với 198,1 triệu USD. Các nhà đầu tư lớn tiếp theo lần lượt là đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) với 103,3 triệu USD, Pháp với 25 triệu USD, Trung Quốc đại lục 13,7 triệu USD.

Vốn FDI đăng ký điều chỉnh tăng là 1,27 tỷ USD cho 71 lượt dự án, tăng 169% về số vốn so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh tăng thì vốn vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,19 tỷ USD, chiếm 72% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 124,7 triệu USD, chiếm 7,5% và đầu tư vào các ngành còn lại đạt 339,2 triệu USD, chiếm 20,5%.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 443,5 triệu USD cho 206 lượt góp vốn, mua cổ phần; tăng 100,9% về số vốn. Trong đó, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 347,4 triệu USD, chiếm 78,3% giá trị góp vốn; đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 43,8 triệu USD, chiếm 9,9% và đầu tư vào các ngành còn lại là 52,3 triệu USD, chiếm 11,8%.

Vốn FDI thực hiện trong tháng 1 đạt 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn FDI thực hiện tại khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,21 tỷ USD, khu vực kinh doanh bất động sản đạt 182,8 triệu USD, khu vực sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 141,3 triệu USD, còn lại là các khu vực khác.

Nâng cao hơn nữa chất lượng vốn FDI

Xét theo dự án FDI đăng ký cấp mới vào Việt Nam trong tháng 1, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 388 triệu USD, giảm 70,7% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng số dự án lại tăng 119,1% lên 103 dự án.

Như vậy, số vốn bình quân cho mỗi dự án đăng ký cấp mới trong tháng 1/2022 là 3,77 triệu USD. Con số này giảm mạnh so với số vốn bình quân 28 triệu USD cho mỗi dự án trong thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định với Mekong Asean về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tổng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu đáng lạc quan. Tuy nhiên, cần lưu ý đến tình trạng dự án chất lượng hạn chế, quy mô nhỏ lẻ.

Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh Nghị quyết 50 của Đảng, của Bộ Chính trị khóa trước đã nói rất đúng đến việc điều chỉnh FDI về việc tập trung khuyến khích doanh nghiệp FDI mang công nghệ tiên tiến vào Việt Nam hoặc các doanh nghiệp FDI có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, có chuyển giao công nghệ, có kết nối giúp phát huy nội lực của doanh nghiệp Việt, đảm bảo về môi trường.

“Nghị quyết đã nói rất rõ, vấn đề bây giờ là khâu thực hiện. Có thực hiện được như Nghị quyết hay không, hay lại để cho địa phương đua nhau, cứ có FDI vào là thích mà bỏ qua hết các tiêu chí mà chính ta đặt ra như yêu cầu chất lượng, công nghệ, khả năng kết nối, chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Ảnh tác giả

“Không thể cứ thấy vốn FDI vào là thích được. Nếu chính ta không tạo sức ép về chất lượng thì khối FDI vẫn sẽ tận dụng Việt Nam như một nơi lao động giá rẻ, như một nơi dễ dãi về môi trường, như một nơi vẫn còn tài nguyên. Và hơn nữa là tận dụng vị thế của Việt Nam trong một loạt các FTA gần đây, lấy Việt Nam như một cứ điểm xuất khẩu để tránh được tất cả các rủi ro địa chính trị khác”.

Bà Phạm Chi Lan

Tin liên quan

Đọc tiếp