Bộ GTVT: Đột phá hạ tầng giao thông để ĐBSCL phát triển tốt nhất

Hạ Tầng ĐBSCL
16:57 - 21/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 21/6, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình bày về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Giao thông Vận tải xác nhận tại hội nghị là Bộ đã nghiên cứu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm giúp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển một cách tốt nhất.

"Chúng tôi nhận thấy giao thông vận tải của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang là điểm nghẽn rất lớn. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất tập trung đầu tư nhưng hệ thống giao thông hiện nay vẫn chưa đạt được yêu cầu".

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Vì thế để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2021-2025, trong mấy tháng vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã rất tập trung để điều chỉnh quy hoạch giao thông, trong đó xác định giao thông vận tải đóng góp như thế nào cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư đến với khu vực này để phát triển.

Những đột phá trong quy hoạch hạ tầng vùng ĐBSCL

Tại hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đã ghi nhận một số đột phá trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về quy hoạch cảng biển, Bộ đã đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đến với TP Cần Thơ và một số cảng hiện nay, đồng thời bổ sung cảng nước sâu Trần Đề, xem như là cửa ngõ chính của đồng bằng sông Cửu Long, để tàu 80.000-100.000 tấn có thể hoạt động khu vực này.

Về hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu để nâng cấp 3 sân bay gồm Phú Quốc cần thiết nghiên cứu thêm đường băng; sân bay Cà Mau và Rạch Giá cũng đang trong kế hoạch nâng cấp để đảm bảo dòng máy bay A320 có thể đỗ được ở đây.

Đường bộ là lĩnh vực hết sức cần thiết và cần kết nối cảng biển với trung tâm thành phố Cần Thơ. Đến thời điểm này, đã có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này.

Hiện nay, cả vùng đồng bằng mới có 90 km đường cao tốc và 30 km nữa đang được triển khai. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ này, Bộ GTVT bố trí đầu tư 400 km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP HCM với Cần Thơ, từ Cần Thơ kết nối mũi Cà Mau. "Tuyến cao tốc quan trọng nữa là An Thủ (Cao Lãnh) qua Rạch Giá. Nếu chúng ta đạt kế hoạch thì cuối nhiệm kỳ này có thể đạt 400 km đường cao tốc, cộng với khoảng 130 km hiện nay đang triển khai thì chúng ta sẽ có 500 km đường cao tốc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh: "Cao tốc phải kết nối với phát triển kinh tế, do đó điểm cuối của hệ thống cao tốc này kết nối với cảng Trần Đề. Từ Cảng Trần Đề, tàu 100.000 tấn chỉ cách thành phố Cần Thơ 60 km. Với hệ thống đường cao tốc cùng cảng Trần Đề, sân bay quốc tế Cần Thơ, chúng tôi tin chắc sau nhiệm kỳ này, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là nơi rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đặc biệt các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể đến đây, hình thành các khu công nghiệp".

Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung phát triển vận tải biển, vận tải đường thủy, tổ chức vận tải ven bờ để tổ chức các cảng biển từ Bắc vào Nam, đột phá vận tải biển ở sông Tiền, sông Hậu và hai trục đường thủy kết nối TP HCM với đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường sắt kết nối TP HCM với Cần Thơ cũng đang được nghiên cứu để báo cáo Chính phủ và báo cáo Quốc hội chủ trương xây dựng

Vị tư lệnh ngành khẳng định, trong nhiệm kỳ này, dấu ấn về giao thông vận tải sẽ rất đậm nét.

Về công tác giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT cũng mong nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vì sự phát triển chung của vùng, thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có kết quả các dự án.

"Khi chúng ta công bố quy hoạch phát triển ĐBSCL, với Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL và qua hội nghị hôm nay, trong một vài năm tới, ĐBSCL sẽ là một trong những khu vực tăng trưởng lớn của đất nước", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Tin liên quan

Đọc tiếp