Bộ KH&ĐT hoàn thành nhiệm vụ tạo động lực mới phát triển cho đất nước

KH&ĐT VĨ MÔ
10:29 - 04/01/2023
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH&ĐT.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH&ĐT.
0:00 / 0:00
0:00
Với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, trong năm 2022, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH&ĐT, ngày 4/1, có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh một số điểm nổi bật trong công tác năm 2022 của Bộ trong nhiệm vụ tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng.

Ước cả năm đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6 - 6,5%).

Cụ thể, về triển khai, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ KH&ĐT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với phương châm hành động 16 chữ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Về công tác đầu tư công, căn cứ quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 584/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ KH&ĐT đã báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó có giao kế hoạch năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về tham mưu cơ chế phát triển các địa phương và vùng lãnh thổ, Bộ chủ trì xây dựng 3 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho địa phương gồm: Cần Thơ, Khánh Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk; tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Cùng với đó, Bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025” và ban hành Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2022 – 2025”. Bộ cũng đẩy mạnh các chương trình kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp được kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp được kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

V công tác triển khai lập quy hoạch, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về việc hoàn thiện “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về triển khai lập quy hoạch vùng, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch 5 vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Triển khai lập quy hoạch tỉnh của toàn bộ 63/63 tỉnh/thành phố cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, trong đó, có 47 quy hoạch tỉnh được lập (bao gồm 2 quy hoạch đã được phê duyệt), 11 quy hoạch tỉnh đã thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ chờ phê duyệt, 44 quy hoạch đã gửi xin ý kiến và chuẩn bị thẩm định.

Về công tác thống kê, Bộ đã bảo đảm thông tin thống kê đầy đủ, kịp thời để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Hoàn thành bảo đảm chất lượng và công bố thành công các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, hàng quý.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng đã thực hiện nhiều công tác tác, như quản lý và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý đấu thầu, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tăng trưởng xanh…

Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ là “cương lĩnh” hành động

Với các nhiệm vụ trọng tâm trên, trong năm 2022, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế, xã hội.

"Các giải pháp được Bộ đưa ra đều là các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu".

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp.

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...) và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có được kết quả này là do Bộ đã luôn quán triệt các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong mọi hoạt động, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, đổi mới tư duy, phương pháp công tác, phương pháp chỉ đạo điều hành.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.