Bức tranh doanh nghiệp tháng 1/2022 tiếp tục khởi sắc

DOANH NGHIỆP Việt nAM
14:39 - 01/02/2022
Bức tranh doanh nghiệp tháng 1/2022 tiếp tục khởi sắc
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng đầu năm 2022, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu tích cực với số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn 32.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/1 cho biết trong tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 13.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,9% so với tháng liền trước và tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp đạt hơn 192.300 tỷ đồng, tức tăng 22,6% so với tháng 12/2021 và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lao động đăng ký đạt 77.100 lao động, tăng 10,5% so với tháng trước nhưng giảm 33,5% so với cùng kỳ 2021.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính theo khu vực kinh tế, trong tháng có 2.230 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 3.295 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 19,9% và 9.486 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực dịch vụ, tăng 32,3%.

Trong tháng 1/2022 cũng có 5.600 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung 343.800 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung trong tháng đạt 536.100 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, 19.100 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 352,8% so với tháng liền trước và tăng 194% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2022 đạt 32.100 doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Ở chiều ngược lại, Tổng cục Thống kê cho biết tổng cộng có 38.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng đầu năm. Trong đó, gần 29.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng cục Thống kê lý giải số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động ngắn hạn trước Tết Nguyên đán tăng vọt do doanh nghiệp chờ đợi, tìm hướng đi cũng như đối tác phù hợp nhằm triển khai kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới.

Ngoài ra, có 7.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 2.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,3%; trong đó 32 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 52,4%.

Tín hiệu tích cực từ số doanh nghiệp thành lập

Trao đổi với Mekong Asean về triển vọng doanh nghiệp năm 2022 nhìn từ bức tranh doanh nghiệp thời gian qua và nhất là tháng 1/2022, TS. Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính) nhận định tín hiệu từ số doanh nghiệp thành lập mới là rất tốt.

“Trong năm 2021, ngay từ sau Nghị quyết 128, khi đất nước bắt đầu phục hồi sản xuất thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã tăng rất mạnh mẽ. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10/2021 tăng 111,2% so với tháng 9, tháng 11/2021 tăng 44,6% so với tháng 10, tháng 12/2021 giảm 5,7% so với tháng 11 nhưng lại tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Bước sang tháng 1/2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15,9% so với tháng 12/2021 và tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, rõ ràng là tín hiệu từ số doanh nghiệp thành lập mới rất tốt”, TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Ảnh tác giả

"Bước sang tháng 1/2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15,9% so với tháng 12/2021 và tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, rõ ràng là tín hiệu từ số doanh nghiệp thành lập mới rất tốt”

TS. Đinh Trọng Thịnh

Cũng theo chuyên gia này, một tín hiệu tích cực khác là sự lạc quan của chính doanh nghiệp chế biến chế tạo, vốn là ngành mũi nhọn, bệ đỡ cho tăng trưởng của ngành công nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Cụ thể, tháng trước, Tổng cục Thống kê công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, qua đó cho thấy 81,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

“Việc doanh nghiệp đánh giá lạc quan như vậy sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao triển vọng của ngành trong năm nay. Ngay cả trong năm ngoái, tôi cho rằng triển vọng lĩnh vực sản xuất kinh doanh là khá tốt. Còn GDP tăng trưởng yếu chủ yếu do tiêu dùng chưa mạnh mẽ (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2021 giảm 4,6% so với năm 2020)”, TS. Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.