Các động lực thúc đẩy kinh tế Đông Nam Á trong tương lai

KINH TẾ ĐÔNG NAM Á
17:57 - 25/07/2023
Kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới ghi nhận nhiều thách thức.
Kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới ghi nhận nhiều thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới tiếp tục đối mặt với lạm phát cao và nhu cầu yếu, triển vọng kinh tế tại Đông Nam Á đang trở thành một điểm sáng trong những năm tới nhờ các động lực tới từ thương mại, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Theo dự báo của HSBC, 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,8% trong năm 2024. Tốc độ này cao hơn hẳn mức tăng trưởng dự kiến 1,1% tại các quốc gia phát triển trong năm 2023 và 0,7% của năm tới.

Nhận định về triển vọng của khu vực trong tương lai, bà Amanda Murphy, giám đốc ngân hàng thương mại tại Đông và Đông Nam Á của HSBC cho biết, các yếu tố bao gồm thương mại, chuyển đổi số và chuyển đối xanh hướng tới mục tiêu net zero sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ tới. Đồng thời, chúng cũng giúp đảm bảo rằng khu vực năng động này tiếp tục là một động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Thương mại

Đông Nam Á đã đi một chặng đường dài để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Hiện khu vực này chiếm 8% xuất khẩu toàn cầu và kể từ năm 2020 đã vượt qua Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Các quốc gia tại đây cũng hưởng lợi từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu khi tham gia 2 trong số các hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đặc biệt thông qua RCEP cùng các chính sách có lợi với thương mại xuyên biên giới như cắt giảm thuế quan, sức hấp dẫn của Đông Nam Á như một cơ sở sản xuất đang ngày một gia tăng. Theo bà Amanda trích dẫn một cuộc khảo sát gần đây của HSBC, các công ty châu Á - Thái Bình Dương có kế hoạch đặt 24,4% chuỗi cung ứng của họ ở Đông Nam Á trong vòng một đến hai năm tới – gia tăng từ mức 21,4% vào năm 2020.

Thêm vào đó, khi trọng tâm của sản xuất toàn cầu tiếp tục thay đổi và các quốc gia áp dụng chiến lược sản xuất Trung Quốc + 1, lượng vốn FDI đổ vào Đông Nam Á được dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng.

Chuyển đổi xanh

Trong bối cảnh thế giới đang chạy đua để “xanh hóa lưới điện”, bà Amanda nhận định chuyển đổi xanh là xu hướng cấu trúc tiếp theo mang lại những cơ hội to lớn cho Đông Nam Á.

Về mặt địa lý, Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi sự nóng lên toàn cầu trầm trọng hơn dẫn tới sự gia tăng mực nước biển. Do đó, chuyển đổi xanh vừa có thể thúc đẩy sự phát triển của khu vực, vừa có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng và trở thành giải pháp tăng trưởng bền vững.

Trong bối cảnh công nghệ xanh đang tăng trưởng theo cấp số nhân, các công ty trong khu vực sẽ có cơ hội bản địa hóa công nghệ toàn cầu và mở rộng quy mô trong nước cùng với sự hỗ trợ của công nghệ tài chính. Đầu tư và hỗ trợ tài chính cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phát triển và áp dụng chúng.

Dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, thuộc "thủ phủ" điện gió Quảng Trị. Ảnh: VGP

Dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, thuộc "thủ phủ" điện gió Quảng Trị. Ảnh: VGP

Chuyển đổi số

Trong năm 2022, Đông Nam Á ghi nhận quy mô nền kinh tế kỹ thuật số đạt 200 tỷ USD. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co Company, con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên ngưỡng 300 tỷ USD vào năm 2025. Với 460 triệu dân số tham gia Internet, các công ty trong khu vực bắt đầu hướng tới việc chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm phục vụ cho sự thay đổi hành vi của khách hàng.

Thông qua chuyển đổi mô hình kinh doanh, các công ty có thể kiểm soát việc bán hàng, tiếp thị và quan trọng là dữ liệu khách hàng hiệu quả hơn. Điều này không chỉ cung cấp cơ sở cho phân tích thời gian thực mà còn giúp công ty tạo ra các dự báo chính xác trong tương lai.

Nền tảng cho sự bùng nổ của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á chính là sự phổ biến của các hình thức thanh toán theo thời gian thực trong khu vực, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Ví dụ, dữ liệu từ nhà phát triển phần mềm thanh toán ACI Worldwide cho thấy Thái Lan đang là thị trường thanh toán theo thời gian thực lớn thứ 4 thế giới tính theo số lượng.

Nếu các hệ thống thanh toán theo thời gian thực trong khu vực Đông Nam Á có thể liên kết với nhau, tốc độ giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp hay giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng có thể gia tăng đáng kể, từ đó dẫn đến hoạt động kinh tế lớn hơn trong khu vực.

Dù Đông Nam Á không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các thách thức như chi phí vốn tăng cao, bà Amanda nhận định Đông Nam Á có vị thế thuận lợi để nắm bắt các xu hướng dài hạn này với tư cách là một động lực kinh tế và động lực nhân khẩu học.

Đọc tiếp