Cải cách thủ tục hành chính phải lấy hiệu quả phục vụ làm thước đo

CHÍNH PHỦ Việt nAM
22:27 - 09/03/2022
Cải cách thủ tục hành chính phải lấy hiệu quả phục vụ làm thước đo
0:00 / 0:00
0:00
Chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 9/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2022 là tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục liên quan tới người dân và doanh nghiệp.

Năm 2021 đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác cải cách thủ tục hành chính trên toàn quốc vẫn được đẩy mạnh trong năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định trên tinh thần kế thừa và phát huy kết quả của những năm trước, các bộ ban ngành đã đạt được một số thành tựu nhất định đáng hoan nghênh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 9/3. Ảnh: VPCP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 9/3. Ảnh: VPCP

Cụ thể, trong năm Chính phủ đã họp 3 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, đồng thời xem xét, cho ý kiến, thông qua 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 200 nghị quyết, 139 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 quyết định quy phạm pháp luật; 36 chỉ thị. Ngoài ra, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật và xem xét, cho ý kiến 6 dự án Luật.

Theo báo cáo, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 7 bộ.

Các bộ, ban ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương đã tích cực nghiên cứu, cắt giảm quy trình, thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính thực chất, hiệu quả hơn; góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu trong hệ thống hành chính.

Đáng chú ý, công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt nhiều bước tiến. Trong đó nổi bật nhất là việc đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử để phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới và mong muốn của người dân, doanh nghiệp; vẫn còn những băn khoăn về "giấy phép con", hay việc đầu tư cho lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính có nơi, có lúc còn hạn chế, thiếu quan tâm…

Nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2022: Tạo bước đột phá, tránh "nghe xong để đấy"

Sang năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, quan điểm thống nhất là đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển. Do vậy, việc đầu tư này phải tập trung, không dàn trải, thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả điều hành của các cơ quan làm thước đo.

Về các nhiệm vụ cải cách hành chính, Thủ tướng chỉ đạo nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính. Đồng thời, cần thiết phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi từ Trung ương tới địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế về cải cách hành chính theo hướng thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp nào, bộ, ngành, địa phương nào thì cấp đó, bộ ngành, địa phương đó chủ động giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền thì mạnh dạn đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định, kiên trì vì mục tiêu chung.

Liên quan đến công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ trực tuyến, nhất là 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết hợp hiệu quả giữa hình thức làm việc trực tuyến và trực tiếp.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư thỏa đáng, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá về cải cách hành chính phù hợp với điều kiện, hệ thống chính trị trong nước.

Về các yêu cầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng chỉ đạo cải cách vừa phải hướng tới tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, vừa phải nâng cao năng lực hiệu quả và điều hành.

“Phải xác định một việc chỉ giao một cơ quan, một người làm, ai làm tốt nhất thì giao việc, tránh giao thoa, trùng lặp nhiệm vụ, giảm khâu trung gian, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Quan trọng hơn, cần huy động sự đóng góp của xã hội, người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực trên tinh thần "của dân, do dân, vì dân", mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp, tránh tình trạng "nghe xong để đấy".

Tin liên quan

Đọc tiếp