Cần cơ chế đột phá hơn để thu hút ‘đại bàng’ về Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột QUỐC HỘI
13:31 - 26/10/2022
Cà phê là thế mạnh lớn của Buôn Ma Thuật cần cơ chế phát triển để nâng cao giá trị.
Cà phê là thế mạnh lớn của Buôn Ma Thuật cần cơ chế phát triển để nâng cao giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần cơ chế đặc thù, đột phá hơn cho TP Buôn Ma Thuột dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đặc biệt là chế biến sâu về nông sản.

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV; sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Thảo luận tại tổ 10, đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) cho biết cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên ông nhận định, dự thảo chưa có gì vượt trội so với các cơ chế, chính sách mà Chính phủ đề xuất và Quốc hội đã phê duyệt cho các địa phương có nghị quyết đặc thù.

Đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về thuế

Trao đổi thêm với Mekong ASEAN, đại biểu Lưu Văn Đức nhận định, Buôn Ma Thuột nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang rất nhiều tiềm năng để thu hút vốn đầu tư phát triển nhưng thời gian qua, các doanh nghiệp lớn tìm đến đây tương đối ít. Các tập đoàn nước ngoài lớn hầu như không có.

Hiện nay, vùng Tây Nguyên mới khai thác được một phần tiềm năng lớn trong lĩnh vực công nghiệp, đó là các dự án boxit nhôm ở Đắk Nông và Lâm Đồng. Còn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum chủ yếu phát triển về thuỷ điện, thời gian qua cũng đang đẩy mạnh điện tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Tuy nhiên cũng chỉ mới có một số nhà đầu tư của việt Nam tham gia.

Theo ông Đức, tiềm năng lớn nhất của Tây Nguyên là các mặt hàng nông sản ưu thế. Vì vậy, đại biểu mong muốn có cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu. Ví dụ như cà phê. Việt Nam xuất khẩu cà phê thứ 2 trên thế giới nhưng giá trị thu lại không nhiều, vì chủ yếu là xuất thô nguyên liệu.

Đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức.

Đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức.

“Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng rất mong muốn, nhấn mạnh Chính phủ đề xuất các cơ chế, chính sách trong ngành cà phê để làm sao có các doanh nghiệp chế biến sâu, nâng tầm giá trị cà phê Việt Nam”, ông Đức cho hay.

Ngoài cà phê, theo đại biểu, Tây Nguyên còn nhiều nông sản khác như sầu riêng đã được Bộ Nông nghiệp ký nghiệm thu xuất khẩu trực tiếp qua Trung Quốc, trong khi ca cao, bơ... đều chưa mang lại giá trị cao do không có chế biến sâu.

Trước tình hình thực tế và tiềm năng đó, đại biểu mong muốn sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm ra cơ chế nào đó vượt trội, ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, nâng tầm các ngành hàng ưu thế của Tây Nguyên, đặc biệt là cây cà phê.

Đại biểu đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về thuế để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, như đã áp dụng cho tỉnh Khánh Hoà tại Nghị quyết 55. Đó là cho phép các doanh nghiệp khấu trừ thuế khi đầu tư vào đầu tư vào địa bàn Buôn Mê Thuột.

Cụ thể, theo điểm a, khoản 8, điều 7 của Nghị quyết 55, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cần xác định thế mạnh của thành phố

Trình nội dung Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, Chính phủ đề xuất nhiều ưu đãi về thuế với các dự án đầu tư, như dự án đầu tư sản xuất, chế biến nông sản, du lịch văn hoá, năng lượng tái tạo, đầu tư trung tâm logistics... sẽ được giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp (10%) trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm.

Riêng dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê tại Buôn Ma Thuột, ngoài ưu đãi thuế như các lĩnh vực khác thì thời gian giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp được tăng lên gấp đôi, 30 năm. Ngoài ra, số dự án này cũng được trừ các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... tối đa 25% tổng số chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Trong báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, còn nêu chung chung như dự thảo thì phạm vi áp dụng rất rộng. Như vậy sẽ chưa công bằng, có thể dẫn đến lợi dụng pháp luật, gây thất thu cho ngân sách.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng nêu vấn đề Việt Nam đã đồng ý về áp dụng mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu là 15%. Nếu Việt Nam quy định mức thuế thấp hơn 15% thì doanh nghiệp của các nước có trụ sở chính sẽ được quyền thu thêm số chênh lệch này.

Việc quy định mức thuế thấp hơn 15% sẽ không còn là động lực khuyến khích doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam sẽ mất đi khoản thuế chênh lệch đó. Vì vậy, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho phù hợp với xu hướng thuế quốc tế.

Nông sản là thế mạnh của vùng Tây Nguyên nhưng chưa mang lại nhiều giá trị vì thiếu chế biến sâu.
Nông sản là thế mạnh của vùng Tây Nguyên nhưng chưa mang lại nhiều giá trị vì thiếu chế biến sâu.

Ở các tổ thảo luận khác, các đại biểu cũng ủng hộ cần có cơ chế đặc thù cho thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên, song cũng nhiều ý kiến băn khoăn về việc dự thảo chưa có nhiều đột phá đủ để hướng đến mục tiêu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) góp ý, chính sách đặc thù đưa ra cho Buôn Ma Thuột còn quá khiêm tốn, cần có ưu đãi mạnh hơn để hút hút các nhà đầu tư, tăng giá trị hàng, nhất là nông sản.

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển nhận xét, chính sách đặc thù cho Buôn Ma Thuột "có vẻ thận trọng". Các chính sách đang đề xuất nói là đặc thù nhưng chỉ vừa tầm với các chính sách đặc thù đã quyết cho các địa phương khác. Còn những gì mang tính đột phá cho Buôn Ma Thuột thì chưa nhiều, chưa có những đột phá về văn hóa, đất đai...

Ông Hiển đề nghị cần xác định thế mạnh của thành phố là gì để có chính sách đột phá, không dàn trải. Có chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế của Buôn Ma, chẳng hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo nghị trình, ngày 7/11 Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tin liên quan

Đọc tiếp